Xu hướng mua đồ sắp hết hạn đang ngày càng thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc, góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm ở nước này.
Theo một báo cáo của iiMedia Research Consulting công bố tuần trước, ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn dự kiến tăng quy mô thị trường từ 31,8 tỷ nhân dân tệ (5 tỷ USD) vào năm 2021 lên 40,1 tỷ nhân dân tệ (hơn 6,3 tỷ USD) vào năm 2025.
Thực phẩm sắp hết hạn vẫn có thể sử dụng bình thường nhưng được bán với giá chiết khấu và thu hút chú ý của những người tiêu dùng trẻ tuổi muốn tiết kiệm. Ngành dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm cho tới năm 2025.
Những thay đổi này cũng giúp thị trường phát triển, sản sinh ra những doanh nghiệp mới chỉ bán các mặt hàng sắp hết hạn.
"Vì đồ ăn vặt nhập khẩu quá đắt nên mọi người thường mua chúng vào lúc gần hết hạn để có giá rẻ hơn", một người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho biết.
Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thực phẩm sắp hết hạn ở Trung Quốc là 12 và tăng lên 68 vào năm 2021.
Các cửa hàng như HotMaxx, HitGoo và Hema Fresh độc quyền bán thực phẩm sắp hết hạn và nhìn chung giá sản phẩm của họ thấp hơn đáng kể so với giá trung bình thị trường.
Liu Jiayong, bác sĩ đến từ Bắc Kinh với hơn 500.000 người theo dõi trên Weibo, đã chia sẻ một video về thực phẩm sắp hết hạn, khẳng định "những mặt hàng này vẫn tốt cho sức khỏe, chúng chưa hết hạn sử dụng, chúng rẻ hơn và chúng có lợi cho môi trường".
Trong đại dịch Covid-19, số người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến tăng nhanh, chiếm hơn 30% doanh số bán hàng ở Trung Quốc, tạo cơ hội cho các loại thực phẩm sắp hết hạn sử dụng xâm nhập thị trường.
Quầy bán rau củ bên trong một khu chợ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, các nhà kinh doanh đang bán nhiều mặt hàng khác nhau, từ khoai tây chiên giòn, mỳ gói, bánh kẹo đến sôcôla gần hết hạn sử dụng với giá chưa bằng một nửa giá bán lẻ tiêu chuẩn.
Theo báo cáo năm 2015 của Học viện Khoa học Trung Quốc, hơn 35 triệu tấn thực phẩm, tương đương 6% tổng lượng thực phẩm của Trung Quốc, bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm.
Hồi tháng 8/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc nhở người dân cả nước rằng "chúng ta vẫn nên duy trì cảnh giác trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực".
Các nhà hàng Trung Quốc đã được lệnh cung cấp hộp đồ ăn để khách hàng mang thực phẩm thừa về và phục vụ các phần ăn nhỏ hơn nhằm khuyến khích tiêu dùng bền vững.
Một luật được thông qua vào tháng 4 năm ngoái cũng cấm thực hiện "những chương trình ăn uống trực tiếp" trên các nền tảng mạng xã hội, trong khi các blogger hay các hãng sản xuất, xuất bản, phát sóng những video kiểu này có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt rất nặng.
Khi luật mới thúc đẩy người dân có ý thức hơn về môi trường và xã hội, các blogger về ẩm thực bắt đầu chia sẻ tình yêu của họ đối với thực phẩm sắp hết hạn sử dụng.
Một số người dùng trên nền tảng chia sẻ video Bilibili đã kể về những chuyến mua sắm tại siêu thị của họ với một xe đầy đồ ăn vặt mà chỉ mất 100 nhân dân tệ (15,7 USD).
Lily, blogger trên nền tảng mạng xã hội Douban, nhận thấy kênh của mình được chú ý hơn ngay sau khi chính quyền thông qua luật mới vì thực phẩm sắp hết hạn giờ đây trở nên phổ biến hơn và ít bị kỳ thị hơn.
Nhóm "Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn" đã tăng từ 20.000 người tham gia hồi tháng 9/2020 lên hơn 60.000 người một năm sau đó. Nhóm là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm về việc mua thực phẩm sắp hết hạn.
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi như Lily bị thu hút bởi việc mua hàng sắp hết hạn không phải vì quan tâm đến môi trường mà bởi giá rẻ.
Những người có thu nhập trung bình cũng là nhóm tiêu dùng phổ biến nhất các sản phẩm sắp hết hạn, theo iiMedia. Các mặt hàng thường được mua là đồ ăn vặt, bánh mỳ, bánh ngọt và những sản phẩm từ sữa.
Hơn 50% người sử dụng thực phẩm sắp hết hạn ở Trung Quốc sẽ mua lại sản phẩm mỗi tháng, trong khi gần 80% sẵn sàng giới thiệu sản phẩm cho người khác, báo cáo từ iiMedia cho biết thêm.
"Chúng chưa hết hạn và có giá rẻ, ngay cả khi tôi không khánh kiệt, tôi vẫn sẽ mua chúng", một người dùng Weibo khác cho hay.
Tuy nhiên, một số người lại coi thường những người tiêu dùng như vậy, cho rằng hàng hóa sắp hết hạn chỉ dành cho các khách hàng có thu nhập từ rất thấp đến không có thu nhập.
Báo cáo của iiMedia cho biết thêm rằng 67,8% người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại nhất về an toàn thực phẩm và 50% quan tâm đến việc liệu thông tin ghi trên nhãn có chính xác hay không.
Các cửa hàng bán thực phẩm sắp hết hạn đã bắt đầu xuất hiện ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác của Trung Quốc. Họ bán nhiều loại sản phẩm và vì giá rẻ hơn nhiều so với các siêu thị thông thường, những cửa hàng thực phẩm sắp hết hạn nhanh chóng trở nên phổ biến với người dân địa phương./.
Nguồn: Vũ Hoàng (Theo SCMP)/vnexpress.net