Bị cáo buộc chiếm đoạt các tài liệu mật liên quan đến vụ án mình đang bị điều tra, ông Diệp Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, bị xét xử kín.
Ông Diệp Dũng, 54 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM - Saigon Co.op, bị TAND TP HCM xét xử về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, ngày 6/4.
Bị cáo buộc vai trò chính trong vụ án, Lê Thị Phương Hồng (43 tuổi, kinh doanh tự do sau khi không còn là công an) và Nguyễn Hoài Bắc (38 tuổi, cựu cán bộ Phòng An ninh Kinh tế Công an TP HCM) bị truy tố về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Phiên tòa được xét xử kín do liên quan đến bí mật Nhà nước, thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Bào chữa cho ông Diệp Dũng có luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP HCM).
Vụ án được phát hiện cuối tháng 9/2020, trong quá trình ông Dũng làm việc với Cơ quan An ninh điều tra về các sai phạm tại Saigon Co.op. Lúc này Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm. Cơ quan điều tra sau đó làm việc với cán bộ tham gia xác minh vụ việc, phát hiện Nguyễn Hoài Bắc (thành viên tổ xác minh) đã làm lộ thông tin. Còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là Hồng - sống như vợ chồng với Bắc.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 7/2020, trong các câu chuyện, tin nhắn hàng ngày, Bắc kể cho người tình nghe một số thông tin liên quan tới Saigon Co.op. Một tháng sau, ông này được phân công tham gia tổ xác minh sai phạm của Saigon Co.op. Bắc đã mang nhiều tài liệu làm việc với ông Diệp Dũng (bản tự khai, biên bản ghi lời khai)... về nhà Hồng và thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về quá trình điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cho Hồng biết. Người đàn bà này đã lén đọc, ghi lại số điện thoại của ông Dũng.
Một tháng sau, Hồng chủ động nhắn tin làm quen ông Dũng, nói biết sự việc ông này đang bị điều tra, nếu muốn có thể giúp đỡ. Mục đích của bà này là lấy lòng Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, để được giới thiệu mối bán hàng hóa giá rẻ cho hai cửa hàng của mình.
Do không biết người nhắn tin cho mình là ai, ông Dũng trả lời "cảm kích về tình cảm của anh nhiều lắm, sẽ đền đáp tấm chân tình này".
Ông Diệp Dũng. Ảnh: Pháp luật TP HCM
Sau thời gian liên lạc qua điện thoại, Chủ tịch Saigon Co.op hẹn gặp Hồng trao đổi. Bà này gửi một số thông tin về quá trình điều tra tại Saigon Co.op, các sai phạm của ông Dũng khiến Saigon Co.op bị truy thu thuế, đồng thời hứa "giúp vượt qua vụ việc". Nhiều ngày sau, Hồng gặp tài xế của ông Dũng, nhận phong bì có 100 triệu đồng và mẩu giấy ghi nội dung nhờ theo dõi phản hồi của cơ quan thuế.
Làm việc với cơ quan điều tra, Hồng thừa nhận hành vi, cho biết đã cài phần mềm xem lén điện thoại của Bắc nhằm theo dõi người tình "có người phụ nữ khác hay không" nên biết các thông tin về quá trình điều tra, xác minh sai phạm tại Saigon Co.op. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã giám định điện thoại của Bắc, không phát hiện phần mềm gián điệp.
Còn Bắc khai không cung cấp mật khẩu Zalo cho người tình, hay đồng bộ tài khoản với Hồng. Tuy nhiên, có lần ông này đi cài lại điện thoại đã phát hiện hai hộp thư điện tử bị đồng bộ, sao chép.
Quá trình điều tra, ông Dũng kêu oan, cho rằng mình không thu thập thông tin từ Hồng, không biết bà này là ai và cũng không chủ động tìm gặp để lấy tài liệu. Về việc nhắn tin "cảm kích về tình cảm của anh nhiều lắm, sẽ đền đáp tấm chân tình này", ông Dũng giải thích do thời điểm đó bản thân đang bị điều tra, được nhiều người nhắn tin quan tâm, động viên chia sẻ, nên trả lời tin nhắn nhằm cảm ơn, lịch sự chứ không có mục đích gì. Với các tin nhắn Hồng gửi sau này, ông Dũng không bàn bạc, trao đổi thông tin...
Luật sư của ông Dũng cũng nhiều lần kiến nghị Ban Nội chính Thành ủy TP HCM, cơ quan điều tra, VKS, tòa án... xem xét lại căn cứ truy tố thân chủ; xác định mức độ mật của tài liệu; ông Dũng không có động cơ chiếm đoạt tài liệu bí mật...
Hai tháng trước, TAND TP HCM đã trả hồ sơ để VKS làm rõ những nội dung các bị cáo trao đổi có phải là thông tin, tài liệu mật hay không. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKS giữ nguyên quan trước đây.
Ngoài vụ án này, cuối năm 2020, ông Diệp Dũng bị Công an TP HCM khởi tố về tội Lạm quyền trong thi hành công vụ.
Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố. Đến nay, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước.
Tháng 7/2020, Thanh tra TP HCM kết luận, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng. Việc này bị cho là có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng.
Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động./.
Nguồn: Bình Nguyên/vnexpress.net