Ai cần tiêm vắc xin mũi 4?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Ai cần tiêm vắc xin mũi 4?

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin COVID-19, trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu tiêm mũi 4 và triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi.

Tiêm vắc xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - chia sẻ theo dự báo, dịch bệnh COVID-19 sẽ là bệnh lưu hành hằng năm nên việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại (mũi 4) là điều cần thiết nhưng cần phải có nghiên cứu rõ ràng, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn dịch bệnh. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến khác.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM):

Cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ từ xa

Khi chủng Omicron xâm nhập, nhiều nước từng có ý định triển khai tiêm chủng vắc xin mũi 4, tuy nhiên sau khi nghiên cứu thì ngừng vì thực tế cho thấy chủng Omicron lây lan nhanh nhưng mức độ gây bệnh khá nhẹ. Với một người tiêm đủ 3 mũi vắc xin cơ bản đã tạo miễn dịch, điều này giúp họ ít có diễn biến chuyển nặng và tử vong.

Trong trường hợp nếu triển khai tiêm chủng vắc xin mũi 4, tôi cho rằng ngành y tế chỉ nên tập trung vào một số nhóm đối tượng nguy cơ cao đang mắc các loại bệnh lý nền, miễn dịch kém hoặc người tiêm chủng bằng các loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ không cao trước đó. Việc tiêm chủng nếu có nên chăng xã hội hóa để người dân có sự lựa chọn, Nhà nước giảm gánh nặng chi phí như hiện nay.

Chiến lược tốt nhất cần tập trung hiện nay là bảo vệ các nhóm nguy cơ từ xa, tức bên cạnh tiêm chủng, họ cần phải được phát hiện quản lý sớm, được cung ứng thuốc kháng virus trong điều trị để tránh tình trạng khi phát hiện đã vào bệnh viện cấp cứu. Hiện nay, chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ của TP.HCM đang phát huy hiệu quả tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):

Chưa cần thiết

Sau Tết, tình hình số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại Bệnh viện dã chiến quận 8, số 1 do tôi điều hành từ không có ca nào đến nay là trên 30 ca. Tuy nhiên chỉ có vài ca thở oxy, còn lại tương đối nhẹ. Tất cả các ca này gần như đã tiêm đủ vắc xin, đó cũng chính là yếu tố giúp họ dù có nhiễm nhưng ít chuyển nặng.

Dựa vào số lượng và tính chất của các ca bệnh hiện nay, tôi cho rằng việc triển khai tiêm mũi 4 chưa thực sự cần thiết. Có chăng chúng ta nên tập trung hoàn thiện tiêm mũi 3 cho tất cả mọi người dân, song song đó cần tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi để các em có miễn dịch bảo vệ trong bối cảnh quay trở lại học trực tiếp.

Khi mũi 3 tiêm đủ 6 tháng, có thể tính toán đến việc tiêm mũi 4. Nhưng cũng chỉ nên tập trung vào những đối tượng đặc biệt nguy cơ, không nên mở chiến dịch tiêm chủng rộng rãi vì sẽ gây tốn kém, trong khi hiệu quả thực sự có thể sẽ không được như mong muốn.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy):

Nên tiêm nếu năng lực cho phép

Theo tôi, mũi 4 chỉ nên tiêm khi thời hạn phát huy hiệu lực bảo vệ của mũi 3 đã trôi qua. Có nhiều ý kiến cho rằng người tiêm đủ 3 mũi đều có miễn dịch, do đó không cần thiết phải tiêm mũi 4 nhưng theo tôi, mấu chốt vẫn phải dựa trên báo cáo chính xác từ việc đo nồng độ kháng thể trong cơ thể cũng như các tư liệu khoa học cộng đồng.

Tôi cho rằng nếu năng lực (chi phí, vắc xin, nhân lực...) cho phép thì việc tiêm vắc xin mũi 4 là điều cần thiết, còn không có thể ưu tiên tập trung vào một số nhóm đối tượng nguy cơ. Thực tế hiện nay có Israel đã thực hiện tiêm chủng mũi 4 và đang có một số quốc gia cũng lưỡng lự. 

Tuy vậy, để đi đến việc triển khai kế hoạch này, chúng ta cần theo dõi thêm về hiệu quả thực sự của vắc xin đối với chủng Omicron, đặc biệt trong bối cảnh tại TP.HCM chủng này hiện đang chiếm ưu thế.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Tốn kém nếu tiêm cho tất cả

Dù khoa học chứng minh vắc xin không có tính chất bền vững chống lại tất cả các loại biến chủng của virus và hiệu quả của vắc xin cũng giảm dần theo thời gian (từ 90% lúc mới tiêm giảm xuống còn 70% sau 6 tháng). Tuy vậy, vắc xin vẫn có ý nghĩa giúp hạn chế bệnh chuyển nặng, giảm tử vong.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng việc tiêm vắc xin mũi 4 là một trong những giải pháp cần được nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên nếu triển khai, không nên tiêm cho toàn bộ người dân mà cần chú tâm vào nhóm người có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, nếu chọn phương án tiêm vắc xin mũi 4 cho tất cả người dân, Nhà nước sẽ tốn một chi phí "khổng lồ" từ việc mua vắc xin, vận chuyển, bảo quản và nhân lực, vật lực để tổ chức tiêm chủng. Chưa kể, tiêm vắc xin mũi 4 vẫn có thể xảy ra các trường hợp phản ứng phụ, sốc phản vệ... trong khi lợi ích lại không nhiều.

Tiêm vắc xin tại nhà cho người cao tuổi ở quận 11, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguồn: Hoàng Lộc - Xuân Mai/tuoitre.vn