



Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, phía nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An được dự báo là những tỉnh thành trọng tâm mưa lớn do bão số 3 Wipha.
Bão số 3 Wipha sắp đi vào Vịnh Bắc Bộ. Cập nhật mới nhất hồi 9 giờ ngày 21.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 109.7 độ kinh đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Dự báo bão số 3 Wipha sẽ gây mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ từ ngày 21.7. Nguồn đường đi của bão: Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam
Bão dự báo sẽ gây ra nhiều tác động đáng chú ý trước thời điểm đổ bộ. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng nay 21.7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cung cấp thông tin những tỉnh thành phố chịu tác động mạnh nhất từ bão số 3 Wipha.
Theo đó, về gió mạnh ven biển, ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa là những vùng cần đặc biệt chú ý. Trước đó, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 7 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Gió cấp 10 - 11 có thể làm đổ cây cối, cột điện, tốc mái nhà, gây thiệt hại rất nặng.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: An AN
Theo ông Khiêm, về tình hình nước dâng dự báo sẽ tập trung ven biển từ Quảng Ninh - Hưng Yên (vào chiều ngày 22.7). Vùng ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1 m. Mực nước tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,7-4,1 m, tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,4-4,8 m và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại khu vực ven biển, cửa sông vào chiều 22.7.
"Về mưa lớn, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An dự báo sẽ là khu vực trọng tâm mưa. Lượng mưa phổ biến từ 200 - 350 mm, có nơi trên 600 mm" - ông Khiêm cung cấp thông tin dự báo.
Trước đó, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo trong bản tin bão khẩn cấp, từ ngày 21.7 đến ngày 23.7, ở khu vực đông bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm.
Các nơi khác ở khu vực bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150 mm trong 3 giờ.
Giám đốc cơ quan khí tượng cũng chỉ rõ mối nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị do mưa lớn.
"Lũ quét, sạt lở đất dự báo tập trung ở khu vực Quảng Ninh, Sơn La, Nam Phú Thọ (Hòa Bình cũ), phía tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Về an toàn hồ đập cần chú ý ở Bản Vẽ (Nghệ An), Cửa Đạt, Trung Sơn (Thanh Hóa). Còn về ngập úng đô thị, các cụm công nghiệp cần lưu tâm ở khu vực Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An" - ông Khiêm cảnh báo.
Mô tả cấp gió bão và mức độ ảnh hưởng
- Gió bão mạnh cấp 8 (17,2 – 20,7 mét/ giây, tốc độ gió 62 – 74 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 10.
Tác động: Cành cây dễ bị gãy, một số cây lớn có thể bị bật rễ. Người đi bộ gần như không thể di chuyển được, gió mạnh tác động rõ ràng lên cơ sở hạ tầng.
- Gió bão mạnh cấp 9 (20,8 – 24,4 mét/ giây, tốc độ gió 75 – 88 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 11.
Tác động: Gió mạnh, cây lớn có thể bị đổ gãy. Nhiều công trình yếu có thể bị hư hại (tốc mái nhà gây thiệt hại đối với mái nhà không kiên cố). Giao thông đường bộ bị cản trở nặng nề, các biển báo, công trình ngoài trời dễ bị hư hỏng hoặc đổ sập. Biển động rất mạnh, nguy hiểm đối với tàu, thuyền hoạt động trên biển.
- Bão cấp 10-11:
Gió bão mạnh cấp 10 (24,5 – 28,4 mét/ giây, tốc độ gió 89 – 102 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 12.
Tác động gió cấp 10: Gió rất mạnh có thể phá hủy các cây lớn, nhiều công trình xây dựng yếu, không kiên cố có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Rất nguy hiểm cho tàu thuyền trên biển và gây thiệt hại cho các bến tàu, âu tàu nơi các tàu thuyền tránh trú bão.
- Gió bão mạnh cấp 11 (28,5 – 32,6 mét/ giây, tốc độ gió 103 – 117 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 13.
Tác động gió cấp 11: Có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các công trình không kiên cố. Rất nguy hiểm cho tàu thuyền và cư dân ven biển. Cơ sở hạ tầng như mái nhà, cửa sổ có thể bị phá hủy nghiêm trọng.
- Bão cấp 12:
- Gió bão mạnh cấp 12 (32,7 – 36,9 mét/ giây, tốc độ gió 118 – 133 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 14. Tác động: Có sức tàn phá cực kỳ lớn. Gió có thể thổi bay cây cối, phá hủy hoàn toàn các công trình xây dựng không kiên cố, gây hư hại nặng nề ngay cả các tòa nhà lớn. Các tàu nhỏ nếu không được neo, đệm cẩn thận có thể bị đánh vỡ, nhấn chìm tại cảng, âu tàu.
- Bão cấp 13-14:
- Gió bão mạnh cấp 13 (37,0 – 41,4 mét/ giây, tốc độ gió 134 – 149 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 15.
Gió có sức phá hoại cực kỳ lớn, gây ra một số thiệt hại cho nhà ở và các công trình tiện ích. Sóng lớn và lũ lụt gần bờ biển phá hủy các công trình nhỏ, các công trình lớn có thể bị thiệt hại do mảnh vỡ va vào.
- Gió bão mạnh cấp 14 (41,5 – 46,1 mét/ giây, tốc độ gió 150 – 166 kilomet/giờ) - gió giật có thể trên cấp 16.
Nguồn: An An/laodong.vn