Nữ sinh Chuyên Ngoại ngữ lập "cú đúp", đỗ học bổng Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Nữ sinh Chuyên Ngoại ngữ lập "cú đúp", đỗ học bổng Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa

Trần Ngọc Vân Anh, học sinh lớp 12E Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ xuất sắc giành học bổng danh giá từ cả hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc và top đầu thế giới.

Niềm hạnh phúc vỡ òa với suất học bổng danh giá

Ngày 15/7, em Trần Ngọc Vân Anh, học sinh lớp 12E, trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã vỡ òa trong niềm vui khi nhận được thông báo trúng tuyển học bổng vào Đại học Bắc Kinh và học bổng của Đại học Thanh Hoa. Đây là hai ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc, lần lượt xếp hạng 12 và 13 thế giới theo bảng xếp hạng THE 2025.

"Mẹ em đã nhảy lên ăn mừng, rồi đi khoe khắp họ hàng. Còn em thì vô cùng háo hức với hành trình 4 năm học tập sắp tới", Vân Anh chia sẻ trong niềm phấn khởi. Ngoài hai thành tích ấn tượng trên, nữ sinh còn nhận được học bổng từ Đại học Trùng Khánh, một trong những trường đại học trọng điểm của Trung Quốc.

Theo thông tin trên VnExpress, giữa những lựa chọn danh giá, Vân Anh đã quyết định theo học ngành Quảng cáo tại Đại học Bắc Kinh. Lý do em đưa ra là vì đây là suất học bổng toàn phần và em đặc biệt yêu thích vẻ đẹp cổ kính, mang đậm dấu ấn lịch sử của ngôi trường này.

Trần Ngọc Vân Anh, học sinh lớp 12E Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ xuất sắc giành học bổng danh giá từ cả hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: VietNamnet

Trần Ngọc Vân Anh, học sinh lớp 12E Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ xuất sắc giành học bổng danh giá từ cả hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: VietNamnet

Hành trình từ đam mê đến "cú đúp" thành công

Cơ duyên của Vân Anh với tiếng Trung bắt đầu từ năm lớp 8, khi em còn là học sinh Trường THCS Nghĩa Tân. Những giai điệu và thước phim Trung Quốc đã gieo vào lòng em niềm yêu thích với ngôn ngữ này. Dần dần, em có thể hiểu được những câu giao tiếp đơn giản và nhận ra mình có thể học một ngoại ngữ mới theo cách đầy thú vị này.

Mong muốn được xem phim, nghe nhạc mà không cần phụ đề đã thôi thúc Vân Anh đăng ký một khóa học ngắn ba tháng tại trung tâm, sau đó em tự mình rèn luyện. Nữ sinh nhận thấy ngữ pháp tiếng Trung có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt, nhưng thử thách lớn nhất nằm ở chữ viết Hán tự với nhiều nét phức tạp.

"Em phải luyện viết thường xuyên và học qua các bộ thủ, phân tích vì sao các bộ này lại ghép thành một chữ có ý nghĩa như vậy", Vân Anh nhớ lại.

Ban đầu, gia đình định hướng cho Vân Anh thi chuyên Anh vào cấp 3. Tuy nhiên, sau một thời gian ôn luyện, em cảm thấy khả năng đỗ không cao và đưa ra một quyết định táo bạo: chuyển hướng sang thi chuyên Trung.

"Em chỉ có một năm để tập trung cho ngôn ngữ này nên đã rất đắn đo. Cuối cùng, em quyết định liều", nữ sinh kể. Suốt năm lớp 9, ngoài việc học ba môn điều kiện, mỗi tối Vân Anh đều dành 2-3 tiếng để luyện đề, xem phim và đọc sách tiếng Trung để trau dồi kiến thức. Nỗ lực của em đã được đền đáp bằng số điểm 34,31/40, trúng tuyển vào lớp chuyên tiếng Trung của trường THPT chuyên Ngoại ngữ năm 2022.

Được truyền cảm hứng từ các anh chị khóa trên trúng tuyển vào Thanh Hoa, Bắc Kinh, Vân Anh bắt đầu đặt mục tiêu du học từ năm lớp 11. Em dành cả năm để tập trung nâng cao trình độ tiếng Trung, thi các chứng chỉ cần thiết và tích cực tham gia nhiều cuộc thi để làm đẹp hồ sơ.

Cơ duyên của Vân Anh với tiếng Trung bắt đầu từ năm lớp 8. Ảnh: VnExpress

Cơ duyên của Vân Anh với tiếng Trung bắt đầu từ năm lớp 8. Ảnh: VnExpress

Theo VietNamnet, thành tích của Vân Anh rất đáng nể, điểm trung bình học tập luôn trên 9,5; IELTS 7.5; chứng chỉ Hán ngữ quốc tế (HSK) bậc 6 đạt 250/300 điểm; giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung; Huy chương Vàng kỳ thi chọn học sinh giỏi vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ; giải Nhì cuộc thi Olympic tiếng Trung do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Khi nộp hồ sơ, Vân Anh không chỉ gây ấn tượng bằng bảng điểm và các giải thưởng mà còn bằng một kế hoạch học tập chi tiết. Trong đó, em trình bày về cơ duyên đã đưa mình đến với tiếng Trung, niềm đam mê với ngành Quảng cáo được khơi dậy từ các hoạt động ngoại khóa, cùng những dự định học tập và trải nghiệm cụ thể tại trường.

Vòng phỏng vấn của Đại học Bắc Kinh diễn ra suôn sẻ, chủ yếu xoay quanh thông tin cá nhân và kiểm tra khả năng giao tiếp. Ngược lại, Đại học Thanh Hoa lại mang đến một thử thách bất ngờ khi hỏi sâu về kiến thức chuyên ngành Kinh tế mà em ứng tuyển, với các câu hỏi về xác suất, ứng dụng Toán, Lý. Dù có chút bối rối, Vân Anh vẫn bình tĩnh và cố gắng giải thích các thuật ngữ theo sự hiểu biết của mình, thể hiện được sự linh hoạt và nền tảng kiến thức vững chắc./.

Nguồn: Thủy Tiên/doisongphapluat.com.vn