Bất ngờ với tỉ lệ ủng hộ ông Trump sau 1 tháng tại nhiệm

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bất ngờ với tỉ lệ ủng hộ ông Trump sau 1 tháng tại nhiệm

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với một thực tế không mấy dễ chịu: sự ủng hộ dành cho ông đang suy giảm sau 1 tháng tại nhiệm.

 

Nhiều cuộc khảo sát mới nhất từ Washington Post-Ipsos, Reuters, Quinnipiac, CNN và Gallup đều chỉ ra rằng tỉ lệ ủng hộ ông Trump hiện chỉ dao động từ 44% đến 47%, thấp hơn so với thời điểm ông nhậm chức.

Quan trọng hơn, số người không ủng hộ ông giờ đã vượt qua số người ủng hộ. Đặc biệt, một dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện trong cuộc khảo sát của Washington Post-Ipsos: có đến 39% người dân Mỹ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với ông Trump, trong khi chỉ 27% thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành.

Bất ngờ với tỉ lệ ủng hộ ông Trump sau 1 tháng tại nhiệm

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ ủng hộ của ông Trump suy giảm là hàng loạt chính sách mà ông theo đuổi dường như không nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Từ việc đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho đến chính sách áp thuế, hầu hết các sáng kiến lớn của ông đều vấp phải sự phản đối.

Theo khảo sát của Washington Post-Ipsos, quyết định đóng cửa USAID bị phản đối với tỉ lệ 59% so với 38% ủng hộ. Trong khi đó, mức thuế quan mà ông Trump áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu cũng không được lòng công chúng, với 49% phản đối so với chỉ 34% ủng hộ.

Ngay cả chính sách trục xuất hàng loạt người nhập cư - một trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Trump - cũng mang đến nhiều thách thức. Dù có 51% ủng hộ việc trục xuất, nhưng khi đi vào chi tiết, phần lớn người dân Mỹ được hỏi lại phản đối các hình thức trục xuất mang tính cứng rắn, chẳng hạn như trục xuất những người nhập cư không có tiền án tiền sự, những người đến Mỹ từ khi còn nhỏ, hay những người có con là công dân Mỹ.

Ngoài những quyết định mang tính chính sách, một yếu tố khác đang gây bất lợi cho ông Trump là sự hiện diện ngày càng lớn của tỉ phú Elon Musk trong chính quyền. Với vai trò lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE), ông Musk đã thúc đẩy nhiều biện pháp cắt giảm mạnh tay trong bộ máy hành chính, bao gồm việc sa thải hàng loạt nhân viên chính phủ.

Con trai 4 tuổi của tỉ phú Elon Musk trong phòng Bầu dục cùng cha và Tổng thống Donald Trump ngày 11.2.2025. Ảnh: AFP

Con trai 4 tuổi của tỉ phú Elon Musk trong phòng Bầu dục cùng cha và Tổng thống Donald Trump ngày 11.2.2025. Ảnh: AFP

Thế nhưng, công chúng dường như không đồng tình với cách tiếp cận này. Theo khảo sát của CNN, có đến 54% cho rằng sự tham gia của ông Musk vào chính phủ là “một điều tệ hại”, trong khi chỉ 28% coi đó là điều tích cực. Đặc biệt, khi được hỏi về việc ông Musk đóng cửa những chương trình liên bang mà ông cho là không cần thiết, có đến 52% phản đối và chỉ 26% ủng hộ.

Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với ông Trump không nằm ở các quyết sách cá nhân, mà ở vấn đề kinh tế - lĩnh vực mà trước đây từng được xem là thế mạnh của ông. Khi còn là tổng thống nhiệm kỳ trước, ông luôn coi nền kinh tế là “lá bài chiến thắng” của mình, nhưng hiện tại, con số không còn đứng về phía ông nữa.

Theo Washington Post-Ipsos, 53% người dân Mỹ không hài lòng với cách ông Trump điều hành nền kinh tế, trong khi khảo sát của Reuters cho thấy chỉ 39% tán thành cách ông xử lý tình hình tài chính đất nước - một con số thấp hơn bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ đầu của ông./.

Nguồn: Song Minh/laodong.vn