Vé máy bay Tết ở nhiều chặng có giá cao hơn so với cùng kỳ do lượng máy bay khai thác vẫn hạn chế, chi phí đầu vào leo thang, một phần do tỉ giá tăng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, vé hạng phổ thông trên một số đường bay nội địa có giá trung bình tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, giá vé tăng theo xu hướng chung do yếu tố cung-cầu thị trường, sụt giảm quy mô đội máy bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, Tết... Bên cạnh đó, giá nhiên liệu bay tăng.
Xu hướng này phần nào ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách Việt. Dịp này, theo ghi nhận của một số phòng vé, vé máy bay Tết Ất Tỵ được ghi nhận không hết sớm như cùng kỳ, chỉ một số chặng bay dịp cao điểm vào Mùng 4 và 5 Tết Nguyên đán hết vé tạm thời.
Hành khách đợi khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày, nhiều người lo ngại giá vé máy bay tăng mạnh, khó mua. Ảnh: Đức Anh
Ông Đặng Mạnh Phước, CEO & Founder The Outbox Company, nhận định: "Giá vé máy bay chặng nội địa tăng, số lượng các chuyến bay trong nước bị giảm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các điểm đến trong nước, đặc biệt nếu so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực có cùng số giờ bay tương tự".
Ông Trần Sỹ Sơn, CEO PYS Travel, tiết lộ số liệu thống kê từ đầu năm tới hiện tại: "Vì giá vé máy bay cao nên nhiều du khách chuyển qua chọn các tour đường bộ, hoặc đặt gói combo vé máy bay và phòng khách sạn để chủ động về lịch trình và tối ưu chi phí hơn. Thậm chí, sự "nở rộ" của các tour tuyến Trung Quốc giá tốt, thậm chí dưới 10 triệu đồng, đã giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn".
Tour Trung Quốc "nở rộ" từ đầu năm nay. Ảnh: Hương Lê
Đồng quan điểm, chị Hoàng Nhung, Trưởng phòng Kinh doanh của Du lịch Phượng Hoàng, cho rằng phần đông khách Việt thích đi du lịch nước ngoài với tiêu chí: đẹp - rẻ và rất rẻ.
Các điểm đến outbound yêu thích của khách du lịch Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á gồm các điểm đến Đông Bắc Á truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đặc biệt là Trung Quốc cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.
Tuy nhiên, theo ông Phước, nhu cầu cho du lịch nội địa của du khách Việt Nam vẫn chiếm tới hơn 70% tổng nhu cầu du lịch chung của thị trường. Nhu cầu du lịch nội địa của thị trường Việt Nam được nhận định vẫn ở mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024, dù có giảm so với thời điểm năm 2022, thời điểm du lịch bùng nổ sau COVID-19.
"Nhu cầu du lịch của khách Việt Nam trong nước hiện nay tập trung chủ yếu cho các chuyến du lịch nghỉ dưỡng với bạn bè và gia đình qua các kỳ nghỉ ngắn ngày hoặc cuối tuần tại các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Khách du lịch Việt Nam cũng ưu tiên cho du lịch tự túc nhiều hơn trong những năm gần đây thay cho việc đặt dịch vụ qua công ty lữ hành. Với các kì nghỉ ngắn ở phạm vi gần, du khách vì thế cũng sẽ lựa chọn các phương tiện tự túc với sự phát triển của hệ thống đường cao tốc", chuyên gia này chia sẻ.
Dòng người chen chân tìm điểm ngắm cảnh, check in trên đỉnh Hang Múa, Ninh Bình vào ngày trong tuần. Ảnh: Thừa Hoà
Ông Phước nói thêm: "Từ thực tế đó, có thể thấy khách du lịch Việt Nam mặc dù vẫn có nhu cầu cao với du lịch nội địa nhưng lại tập trung nhu cầu chủ yếu ở nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và khách du lịch cũng có xu hướng lựa chọn hình thức đi du lịch tự túc ngày càng nhiều".
Bên cạnh đó, so với các sản phẩm du lịch nước ngoài, du lịch nội địa có phần "lép vế" về mức độ đa dạng.
Các sản phẩm du lịch trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về mức độ đa dạng và hấp dẫn và chỉ đang phụ thuộc vào các sản phẩm nghỉ dưỡng thuần túy. Do đó, du khách thường sẽ ưu tiên các điểm đến khác ở ngoài Việt Nam có cùng mức giá hoặc thậm chí thấp hơn về mặt chi phí để nhận lại các giá trị trải nghiệm khác biệt và mới lạ hơn./.
Nguồn: Ninh Phương/laodong.vn