Đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, hành vi phạm tội của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã xâm phạm ngân sách của tỉnh Bắc Ninh.
Sáng 30/10, phiên xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cùng 12 bị cáo kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh tụng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND) Bắc Ninh công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Cơ quan công tố cho rằng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, để nhân dân được tiếp cận dịch vụ y tế, Đảng và Nhà nước phải huy động lượng vốn lớn nhằm xây dựng, trang bị cho các bệnh viện; tăng cường khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai mua sắm các trang thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện của tỉnh Bắc Ninh nhiều bị cáo là cán bộ, đảng viên đã thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp gây thất thoát, lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong phiên tòa.
Trong vụ án này, phía công tố cho rằng Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC và Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng đã tác động các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để được tham gia rồi thông thầu tại 6 gói thầu cung cấp thiết bị cho 6 bệnh viện tuyến huyện vào năm 2015.
Bị cáo Nhàn được xác định là chủ mưu, cầm đầu trong việc Công ty AIC trúng thầu sai quy định và đưa hối lộ với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Tuy công an đã ra lệnh truy nã, kêu gọi về đầu thú nhưng bà Nhàn không chấp hành và còn bị phạt tù trong 3 vụ án khác. Do vậy, Viện kiểm sát đề nghị tòa phạt bà Nhàn mức án nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Nhóm lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh gồm cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh; Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý các công trình y tế tỉnh (Ban quản lý); Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế, do nể nang, vụ lợi nên phạm tội. Nhóm này chia chác, cho AIC và Sông Hồng mỗi công ty trúng thầu tại 3 bệnh viện trong tỉnh với giá cao, gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng.
Nhóm bị cáo này sau đó được Công ty AIC và Công ty Sông Hồng đưa hối lộ. Cụ thể, bị cáo Chiến nhận 4 tỷ đồng, Nguyễn Tử Quỳnh nhận 2 tỷ đồng; Trần Văn Tuynh nhận 6 tỷ mang về chia rồi giữ lại 3,2 tỷ đồng; Nguyễn Hạnh Chung nhận 600 triệu đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn nhiều lần tặng quà cho Nguyễn Nhân Chiến, tổng số 10 tỷ đồng; cho Nguyễn Tử Quỳnh tổng số 8,1 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Trong hành vi nhận hối lộ nói trên, viện kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Nhân Chiến trước khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy có giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách cao nhất trong việc điều hành UBND nhưng lại chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho nhóm Công ty AIC, Công ty Sông Hồng trúng thầu. Bị cáo Chiến cũng là người nhận tiền bất chính nhiều nhất nên phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Người chịu trách nhiệm thứ 2, theo viện kiểm sát là Trần Văn Tuynh vì ông trong vai trò Giám đốc Ban quản lý là đại diện chủ đầu tư nhưng lại vi phạm các quy định về đấu thầu và cũng nhận hối lộ. Các bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung được xếp vai trò thấp hơn.
Cả 4 bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân… Tuy nhiên, nhóm cựu lãnh đạo Bắc Ninh được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ gồm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; nộp lại tiền bất chính; có thành tích trong công tác… Ngoài ra, do hậu quả vụ án chưa được Nguyễn Thị Thanh Nhàn khắc phục nên nhóm này cũng nộp một phần tiền để khắc phục thay.
Bị cáo Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bị xác định lợi dụng chức vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu sai quy định dẫn tới hậu quả thất thoát 48 tỷ đồng. Sau đó, ông Nhường được Công ty AIC tặng 450 triệu đồng nên hành vi này cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị cáo khác trong vụ án cũng bị xác định phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức. Từ những nhận định trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa phạt tù cả 13 bị cáo trong vụ.
Về dân sự, ngoài số tiền bị cáo Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng và một số cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã tự nguyện nộp khắc phục, đại diện viện kiểm sát đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải bồi thường số tiền còn lại hơn 24 tỷ đồng, trong tổng số hơn 48 tỷ đồng ngân sách bị thiệt hại.
Cuối cùng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm ngân sách của tỉnh Bắc Ninh, gây nguy hiểm cho xã hội nên cần tuyên một bản án nghiêm khắc để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo như sau:
Nhóm 4 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ":
1. Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, từ 48 – 60 tháng tù;
2. Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, từ 36 – 42 tháng tù;
3. Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, từ 24 – 30 tháng tù.
4. Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh, từ 42 – 48 tháng tù.
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" 24 – 30 tháng:
5. Bị cáo Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, từ 24 – 30 tháng tù.
Bị truy tố tội "Đưa hối lộ":
6. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), từ 12 – 13 năm tù, tổng hợp 3 bản án trước bằng 30 năm tù.
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng":
7. Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn), từ 10 – 11 năm tù;
8. Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng, từ 24 – 30 tháng tù;
9. Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý, từ 24 – 30 tháng tù;
10. Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý, từ 18 – 24 tháng tù; 11. Nguyễn Viết Toản, nhân viên Công ty AIC, từ 24 – 30 tháng tù.
12. Nguyễn Đăng Linh, cựu nhân viên Công ty AIC, từ 18 – 24 tháng tù;
13. Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALUE, từ 24 – 30 tháng tù./.
Nguồn: Khánh Ngân/doisongphapluat.com.vn