TP.HCM: Mong đợi từng ngày metro số 1 vận hành

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
TP.HCM: Mong đợi từng ngày metro số 1 vận hành

Để đảm bảo tuyến metro số 1 đưa vào vận hành cuối năm 2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang gấp rút phối hợp với các đơn vị, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.

Háo hức chờ ngày về đích

Những ngày giữa tháng10, trên tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), những chuyến tàu chạy thử từ ga Bến Thành đến Suối Tiên nối đuôi nhau liên tục.

Tại các ga ngầm cũng như ga trên cao, nhân viên phục vụ từ kỹ thuật, điều hành, soát vé đến nhân viên an ninh, bảo vệ, lao công… đều được huy động để vận hành thử tuyến. Ngoài nhân viên nhà ga, đội ngũ lái tàu cũng vào guồng vận hành toàn tuyến sau thời gian dài đào tạo lý thuyết.

"Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực thời gian qua sắp cho kết quả. Những kỹ thuật viên, lái tàu hiện đang nỗ lực hết sức để vận hành suôn sẻ tuyến metro sắp tới", chị Thu Thảo, kỹ thuật viên lái tàu metro chia sẻ.

Người dân mong chờ ngày metro số 1 đi vào hoạt động.

Anh Nguyễn Phương Phi - một kỹ thuật viên lái tàu khác cho biết, càng gần về đích, sự háo hức, mong chờ của đội ngũ kỹ thuật viên lái tàu càng cao. Ai cũng mong đến ngày tuyến metro chính thức hoạt động, mang theo những hành trình mới cho người dân thành phố.

"Mong người dân TP.HCM sẽ đồng hành, ủng hộ khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động", anh nói.

Trên các tuyến đường metro đi qua, biển báo về ga metro đã bắt đầu xuất hiện, cùng với hệ thống cầu bộ hành kết nối các nhà ga đã xây dựng xong. Các bãi giữ xe quanh khu vực nhà ga cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Vận hành thử liên tục trong khoảng 45 ngày

Chị Minh Nguyệt (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ, mỗi ngày đều đi xe máy từ TP Thủ Đức vào trung tâm quận 1 làm việc. Kẹt xe thường xuyên cả chiều đi lẫn chiều về khiến chị Nguyệt càng mong ngóng metro sớm vận hành.

Kỹ thuật viên lái tàu sẵn sàng vận hành metro.

"Chỉ mong tuyến metro làm xong, đưa vào vận hành để chia sẻ bớt gánh nặng cho đường bộ", chị Nguyệt nói.

Tương tự, anh Hoàng Nam (45 tuổi, ngụ quận 3) cũng bày tỏ: "Hy vọng các nhà ga sẽ kết nối tốt với các tuyến xe buýt hoặc phương tiện công cộng khác, để người dân có thể di chuyển thuận tiện hơn".

Ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - chủ đầu tư) cho biết, tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn vận hành thử, dự kiến kết thúc vào ngày 17/11.

Trong khoảng 1,5 tháng vận hành thử, toàn tuyến sẽ thực hiện liên tục 47 kịch bản, từ việc vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp ở các vị trí khác nhau, gồm cả đoạn trên cao và trong đường hầm. Giai đoạn này, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây.

Cùng đó, MAUR cũng đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại như công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm.

"Chúng tôi đang bám chắc từng cột mốc của dự án, không cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào", ông Bằng nói.

Hoàn chỉnh phương án giá vé

Dự kiến, từ ngày 18/11 - 30/11, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành các báo cáo đánh giá an toàn để trình nộp cho Cục Đường sắt VN thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của Luật Đường sắt.

Máy bán vé metro số 1.

Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ nghiệm thu để chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12/2024.

Hiện Sở GTVT TP.HCM đang hoàn chỉnh phương án giá vé metro số 1. Dự kiến vé lượt thấp nhất 12.000 đồng nếu khách đi từ 5km trở xuống, 14.000 đồng với lộ trình 5-10km; 16.000 đồng cho 10-15km và 18.000 đồng với cự ly 15km trở lên.

Vé tháng áp dụng chung 260.000 đồng. Ngoài ra, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt được đề xuất 40.000 đồng và 90.000 đồng.

TP.HCM cũng đang xin ý kiến Bộ Tài chính và các bộ ngành về giá vé cho các đối tượng như sinh viên, người khuyết tật, đối tượng chính sách. Thành phố cũng sẽ miễn phí đi thử metro trong thời gian đầu để tạo thói quen cho người dân sử dụng metro.

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao; có tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.

Để phục vụ người dân thuận tiện khi sử dụng, TP.HCM lập phương án dùng ôtô trung chuyển khách đi và đến 5 bến xe liên tỉnh. Áp dụng đầu tiên tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) khi dự án metro 1 đưa vào khai thác cuối năm 2024; bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), An Sương (huyện Hóc Môn) và Ngã tư Ga (quận 12) dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2025./.

Nguồn: Mỹ Quỳnh/baogiaothong.vn