Bà Trương Mỹ Lan lĩnh án chung thân

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bà Trương Mỹ Lan lĩnh án chung thân

HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 8 năm về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ và 12 năm tù về tội Rửa tiền.

Báo Tiền Phong, chiều 17/10, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên án vụ "đại án" Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) lĩnh án tù chung thân cho tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 17/10. Ảnh: Tuổi Trẻ

HĐXX nhận định Viện Kiểm sát truy tố bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai. Trong vụ án này bà Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi sai phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, diễn ra trong thời gian dài, xuyên suốt. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo trong vụ án thực hiện một cách tinh vi và phạm tội nhiều lần.

HĐXX cũng cho biết bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ và HĐXX đã xem xét, đó là thành khẩn khai báo, có thành tích trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, bà Lan đã trên 60 tuổi, có nhiều đóng góp cho xã hội, có khắc phục hậu quả…

Theo HĐXX, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa, HĐXX nhận thấy, ở tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu; chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền gần 31.000 đồng của 35.824 bị hại.

Ở tội danh “Rửa tiền”, HĐXX xác định từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng do bà Lan phạm tội mà có vào các mục đích khác nhau, như trả gốc, lãi trái phiếu, trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB, thanh toán các khoản chi cá nhân của vợ chồng bà Trương Mỹ Lan…

Ở tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, HĐXX cho rằng, trong thời gian từ 2012 đến 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Lan giao cho cấp dưới lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài đều là các công ty "ma" thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cũng theo HĐXX, từ các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD.

HĐXX nhận định, tại phiên tòa vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, không ảnh hưởng tới quyền lợi của những người khác.

HĐXX cũng cho rằng, việc xét xử vắng mặt gần 36.000 bị hại cũng không cản trở việc xét xử, không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người mua trái phiếu.

HĐXX cũng cho biết quá trình xét xử, HĐXX đã nhận được nhiều đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó có hơn 1.000 đơn không thuộc phạm vi xét xử trong vụ án này. Có nhiều đơn yêu cầu giải quyết nhưng chưa được làm việc trong quá trình điều tra, đã được tòa đưa vào tham gia tố tụng với tư cách bị hại.

Ngoài ra, HĐXX cũng đưa ra phán quyết xử lý các tài sản đã thu giữ, bị kê biên, phong tỏa trong vụ án. Về 2 túi Hermes da cá sấu bạch tạng (giá hơn chục tỷ đồng) mà bà Lan xin trả lại "để làm kỷ niệm cho con cháu", HĐXX xác định tài sản này có nguồn gốc từ tiền phạm tội nên tiếp tục kê biên.

Hồi tháng 4, ở giai đoạn một vụ án, bà Lan bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về 3 tội Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tham ô tài sản. Bản án này chưa có hiệu lực pháp luật do bà Lan và các bị cáo đã kháng cáo. Đến nay, tòa phúc thẩm chưa ấn định ngày xét xử, báo VnExpress thông tin.

Thục Hiền (t/h)/doisongphapluat.com