Trẻ mắc bệnh sởi cần được chăm sóc như thế nào?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Trẻ mắc bệnh sởi cần được chăm sóc như thế nào?

Trong quá trình trẻ mắc bệnh sởi cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tắm và vệ sinh cá nhân sạch cho trẻ để phòng ngừa bội nhiễm...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn. Siêu vi sởi lây qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với nước bọt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Là bệnh do siêu vi nên sởi có thể tự khỏi nếu không có biến chứng. Hiện nay bệnh sởi đã xuất hiện nhiều nơi tại TP.HCM và các tỉnh thành.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tính từ đầu năm đến ngày 12.8.2024, bệnh viện tiếp nhận 33 ca bệnh sởi, trong đó có 23 điều trị nội trú, 10 ca ngoại trú. Các ca nhập viện ở mức độ trung bình, nặng. Số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh từ tháng 6.2024.

Tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ

 

Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi khoảng 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có triệu chứng sốt cao, sổ mũi, ho khan, khàn tiếng, mắt đỏ, nhiều ghèn, mắt mũi lèm nhèm, lừ đừ, khó chịu, mệt mỏi…

Sau khi sốt 3-4 ngày, trẻ phát ban lan từ trên xuống dưới. Ban khởi đầu từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban sẽ nhạt dần theo thời gian, bong vẩy, tạo thành các vết thâm trên da (vết vằn da hổ). Nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ giảm dần và tự khỏi.

"Trẻ cần được thăm khám khi bắt đầu có biểu hiện sốt để được bác sĩ xác định chẩn đoán, xử trí và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc tại nhà. Cần cách ly để tránh phát tán mầm bệnh, tránh lây lan. Trong quá trình bệnh, trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất; tắm và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng ngừa bội nhiễm; theo dõi sát các diễn biến của trẻ", bác sĩ Châu Việt chia sẻ.

Bệnh sởi có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não tủy, viêm tim, viêm loét giác mạc, tiêu chảy… Nếu trẻ có các biến chứng nặng hoặc có bệnh nền (bệnh tim, thận, gan, ung thư, suy giảm miễn dịch…) thì nên nhập viện điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - C.L

Bổ sung nước lọc, nước hoa quả, vitamin A

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C thì cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol, liều lượng không quá 60 mg/kg/ngày. Nên chia liều 4 lần trong 24 giờ. Cần cho uống đủ nước vì sốt cao thường gây thiếu nước. Nên dùng nước hoa quả. Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm. Nên tắm nơi kín gió, không nên tắm lâu. Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.

Người mắc sởi thường bỏ ăn do tình trạng nhiễm trùng và viêm loét miệng. Nôn và tiêu chảy cũng làm giảm hấp thu, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh đòi hỏi cao để giúp người bệnh hồi phục nhanh. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin A theo hướng dẫn của bác sĩ...

Các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay

  • Sốt liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt
  • Thở mệt, thở nhanh, thở rút lõm, thở co kéo
  • Có dấu hiệu thần kinh: co giật, rối loạn tri giác, bứt rứt, li bì
  • Có dấu hiệu mất nước, nôn ói nhiều

Bệnh sởi lây rất nhanh, lây trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày mới giảm khả năng lây bệnh. Vì vậy rất khó xác định trẻ bị lây khi nào và ai lây cho trẻ. Trẻ nên hạn chế ra khu vực công cộng, cần đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Người lớn cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa để không là nguồn lây cho trẻ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Nguyên Lộc (Bệnh viện Nhi đồng 2), sởi có tốc độ lây nhanh, do đó biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm ngừa vắc xin. Trẻ 9 tháng tiêm mũi đầu tiên, sau đó tiêm mũi 2 nhắc lại lúc 18 tháng, nếu tiêm đủ 2 mũi sẽ bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc sở trên 95%. Với trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm, cần vệ sinh tay, vật dụng xung quanh, hạn chế đến nơi đông đúc./.

Nguồn: Lê Cầm/thanhnien.vn