Các nhà nghiên cứu cho rằng xét nghiệm máu có thể đặc biệt có giá trị trong các cơ sở chăm sóc ban đầu, nơi việc tiếp cận máy quét não chuyên sâu hoặc xét nghiệm dịch não tủy thường bị hạn chế.
Một nghiên cứu đột phá tại Thụy Điển cho thấy xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện bệnh Alzheimer chính xác hơn các bác sỹ có kinh nghiệm.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), xét nghiệm mới này có thể cách mạng hóa việc chẩn đoán bệnh Alzheimer, khiến việc chẩn đoán dễ dàng hơn và nhiều bệnh nhân có thể tiếp cận hơn tại các cơ sở y tế địa phương và các trung tâm kiểm tra trí nhớ chuyên sâu.
Trong quá trình kiểm tra hơn 1.200 bệnh nhân có vấn đề trí nhớ, các nhà khoa học nhận thấy rằng xét nghiệm máu APS2 xác định đúng bệnh Alzheimer trong 88-92% trường hợp.
Tỷ lệ này cao hơn các bác sỹ gia đình và bác sỹ chuyên khoa, với độ chẩn đoán chính xác tương ứng lần lượt là 58% và 71% trường hợp, khi dựa vào kiểm tra tiêu chuẩn và kiểm tra nhận thức.
Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh Alzheimer chính xác hơn các bác sỹ có kinh nghiệm. (Nguồn: Neuroscience News)
Một trong những ưu điểm then chốt của xét nghiệm này là độ tin cậy cao đối với nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau, bao gồm các những người có bệnh nền khác như bệnh thận.
Xét nghiệm này cũng có hiệu quả cao đối với các bệnh nhân ở những giai đoạn mất trí nhớ khác nhau, từ nhẹ cho đến những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng xét nghiệm máu này có thể đặc biệt có giá trị trong các cơ sở chăm sóc ban đầu, nơi việc tiếp cận máy quét não chuyên sâu hoặc xét nghiệm dịch não tủy thường bị hạn chế.
Xét nghiệm này cũng giúp xác định những bệnh nhân có thể hưởng lợi từ các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer mới.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh xét nghiệm máu không nên là phương pháp duy nhất để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Thay vào đó, xét nghiệm máu cần được xem xét cùng với các triệu chứng, cũng như các thông tin y khoa khác để cung cấp một đánh giá toàn diện.
Trong khi các kết quả này đem lại nhiều hứa hẹn, các nhà khoa học cho biết vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để xác nhận hiệu quả của xét nghiệm trong các nhóm người khác nhau, cũng như để hiểu tác động đối với việc chăm sóc bệnh nhân trên thực tế./.
Nguồn: Thúc Anh/vietnamplus.vn