Hơn 30.000 tỉ đồng thu từ bán trái phiếu khống, theo chỉ đạo của bà chủ Vạn Thịnh Phát, nhóm dưới quyền ghi chép, theo dõi với cách đặt tên “Bond WMC”, “Bond VTP”, “Bond VNG”, “Bond VIPD”, “Bond SETRA”, “Bond Sunny”…
Trong bản kết luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã đề nghị truy tố 34 bị can, trong đó có bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về các tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới”.
Ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt khoản tiền hơn 30.000 tỉ đồng của bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông qua hoạt động bán trái phiếu, cơ quan chức năng đã chỉ ra được đường đi số tiền lớn này của nhà đầu tư sau khi bị chiếm đoạt.
Theo kết luận, năm 2018, Trương Mỹ Lan ra chủ trương, họp bàn với các nhân sự cấp cao của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI phát hành trái phiếu.
Trên cơ sở họp bàn, các tổ chức phát hành thuộc Vạn Thịnh Phát ký kết hợp đồng tư vấn, phát hành trái phiếu với Công ty TVSI để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin phát hành trái phiếu và thực hiện chức năng đại diện Tổ chức phát hành ký kết hợp đồng mua/bán, chuyển nhượng với các trái chủ thứ cấp (người dân) theo quy định pháp luật, giúp các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát phát hành sản phẩm tài chính là các gói trái phiếu và báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm (giai đoạn 1 vụ án). Ảnh: Anh Tú
Kết luận nêu, sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Công ty chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng nghìn trái chủ như sau: Trái chủ chuyển tiền cho TVSI để mua trái phiếu -> Công ty TVSI chuyển tiền cho các công ty trái chủ sơ cấp hoặc các công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp -> Các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần -> Các cá nhân rút tiền để sử dụng.
Toàn bộ việc sử dụng tiền trái phiếu được nhóm cán bộ dưới quyền của bị can Trương Mỹ Lan ghi chép, theo dõi với cách đặt tên là: “Bond WMC”, “Bond VTP”, “Bond VNG”, “Bond VIPD”, “Bond SETRA”, “Bond Sunny”…
Cũng theo kết luận, sau khi thu tiền từ việc phát hành 25 mã trái phiếu khống (hơn 30.800 tỉ đồng), Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao cho Nguyễn Phương Hồng - Thành viên Hội đồng quản trị, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB trực tiếp điều hành, quản lý và theo dõi việc sử dụng tiền chi cho nhiều mục đích hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cá nhân.
Trong đó, các mục đích chi chiếm tỉ trọng lớn gồm: Chuyển cho các tổ chức tín dụng để tất toán các khoản vay của cá nhân, tổ chức thuộc Vạn Thịnh Phát; Chi tất toán các thẻ tín dụng của người nhà, rút tiền mặt sử dụng.
Kết quả rà soát xác định, từ tháng 9.2018 đến tháng 3.2020, số tiền hơn 30.800 tỉ đồng thu từ bán trái phiếu bị trộn lẫn với nhiều khoản tiền khác, tạo thành nguồn tiền trên 61.750 tỉ đồng.
Cơ quan công an bóc tách được có hơn 11.171 tỉ đồng từ nguồn tiền trái phiếu, số còn lại là dòng tiền trộn lẫn, không thể bóc tách rõ giữa nguồn tiền trái phiếu với các nguồn khác.
Cơ quan điều tra cũng đã xác định có hơn 35.000 trái chủ (bị hại) sở hữu 25 mã trái phiếu của 4 Công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra) thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 7.10.2022. Các bị hại yêu cầu thu hồi tài sản.
Trường hợp người đã chết thì ghi nhận yêu cầu của người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Các nhà đầu tư mua lại trái phiếu của các bị hại được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, yêu cầu đề nghị (nếu có) sẽ được giải quyết theo các vụ việc dân sự./.
Nguồn: Việt Dũng/laodong.vn