Trong xã hội có rất nhiều người khó khăn buộc phải vay tiền bằng mọi giá để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của bản thân. Do đó, dù biết lãi suất cắt cổ, đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng, họ vẫn tìm đến tín dụng đen.
Tín dụng đen ngày càng biến tướng tinh vi
Thời gian qua, đã có hàng loạt câu chuyện cảnh báo về rủi ro khi vay tiền tín dụng đen, khiến bao gia đình lâm vào cảnh khó khăn, khi lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí nhiều người không vay cũng bị đòi nợ. Nhưng tình trạng người dân mắc bẫy tín dụng đen vẫn không ngừng gia tăng.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thừa nhận, tín dụng đen đang len lỏi và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho cuộc sống của người dân.
Theo Luật sư Tám, tín dụng đen là hoạt động tín dụng trái pháp luật. Bên cho vay hoặc là không có giấy phép kinh doanh hoạt động tín dụng, hoặc cho vay với mức lãi suất cắt cổ, cao hơn mức quy định của pháp luật trong giao dịch dân sự, hoặc có cả 2 yếu tố trái quy định bị pháp luật nghiêm cấm như nêu trên.
“Tính dụng đen thời nào cũng có. Trong xã hội có rất nhiều người khó khăn buộc phải vay tiền bằng mọi giá để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của bản thân. Và một khi đã có nhu cầu, thì quy luật thị trường sẽ hình thành một bộ phận vì ham lợi nhuận sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này, nhằm thỏa mãn ham muốn thu lợi của mình
Tín dụng đen còn thể hiện ở chỗ lãi mẹ đẻ lãi con, không ngừng sinh sôi. Sau một thời gian có thể tiền lãi cao gấp nhiều lần tiền gốc, khiến nhiều người tán gia bại sản, lâm vào bi kịch cùng cực khó khăn. Dù biết vậy, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động tín dụng đen những năm gần đây vẫn phát sinh hết sức phức tạp. Nó tồn tại làm ảnh hưởng không tốt tới tình hình trật tự trị an, đời sống xã hội, làm méo mó quan hệ dân sự lành mạnh trong xã hội”, Luật sư Tám nhấn mạnh.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng internet và các nền tảng ứng dụng khác của công nghệ thông tin khiến cho hoạt động tín dụng đen trên mạng ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Luật sư Tám nhìn nhận, rất nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra cho vay online hoạt động trôi nổi không được nhà nước cấp phép hoạt động, cho vay không cần thế chấp. Cá biệt, có trường hợp người dân không vay nhưng vẫn bị người khác chuyển tiền đến tài khoản của mình. Sau đó xuất hiện những người liên hệ đòi nợ cả gốc và lãi rất cao. Nếu không kịp trả nợ, người dân sẽ bị khủng bố tinh thần, đe dọa cưỡng bức, thậm chí có nhiều vụ án gây thương tích đâm chém giết chóc xảy ra.
“Rõ ràng công nghệ thông tin khiến các giao dịch dân sự thương mại thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng nó cũng làm nảy sinh những mặt trái, trong đó có tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen trên mạng đang gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện truy tìm và xử lý. Bởi lẽ rất nhiều giao diện cho vay là ảo, nhiều tổ chức huy động vốn với lãi suất đưa ra để dẫn dụ người gửi tiền rất cao. Tuy nhiên, sau một thời gian thì đánh sập mạng và chiếm đoạt tiền của người gửi dưới hình thức cho vay hoặc đầu tư”, Luật sư Tám nói.
Ở góc độ pháp luật, theo vị Luật sư, hoạt động tín dụng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép theo quy định của pháp luật, phải có trụ sở địa chỉ rõ ràng thì mới đảm bảo an toàn và nếu có vi phạm sẽ được xem xét xử lý kịp thời, chính xác. Ngược lại, hoạt động cho vay online như là các tổ chức ảo, thì khi sập mạng biến mất rất khó khăn cho việc truy tìm và xử lý, thu hồi tài sản của những kẻ lợi dụng tín dụng đen để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phải tuyên truyền để người dân tránh xa tín dụng đen
Một lý do khiến nhiều người dù biết là lãi cao nhưng vẫn nhắm mắt vay tiền được vị luật sư chỉ ra, đó là tâm lý có thể “bùng tiền”, quỵt nợ. Và trên mạng cũng xuất hiện hàng chục hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay online với hàng nghìn người tham gia.
“Vì là vay online nên người vay cũng có thể ảo. Chẳng hạn như một người mượn chứng minh thư hoặc một sim điện thoại rác nào đó để đăng ký. Điều này khiến một bộ phận trong xã hội nảy sinh tâm lý cứ vay tín dụng đen với bất cứ giá nào rồi sau đó nghĩ cách bùng, bỏ trốn. Điều này khiến tình hình truy tìm con nợ cũng hết sức phức tạp.
Do vậy tín dụng đen có thể nhìn nhận ở cả hai phía người cho vay, và người đi vay đôi khi cũng đều là trái pháp luật, với những động cơ không trong sáng, có ý thức chiếm đoạt tiền của người khác từ đầu. Vấn đề này cũng tìm ẩn các nguy cơ tranh chấp, tội phạm”, Luật sư Tám cảnh báo.
Do đó, theo Luật sư Tám, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để mỗi người dân có thể nhận diện và phòng tránh được rủi ro, để không va vào tín dụng đen.
“Việc tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu rõ bản chất của tín dụng đen, những nguy cơ của hoạt động tín dụng đen là luôn luôn cần thiết và phải thực hiện thường xuyên không ngừng. Hầu hết bên cho vay trong quan hệ tín dụng đen đều có dấu hiệu phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, được quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự”, Luật sư Tám chia sẻ.
Đình Hoàn/doisongphapluat.com