Sở GTVT TP.HCM đang cùng các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, đề xuất 3 phương án để lấy ý kiến, lựa chọn phương án tối ưu thực hiện đường Vành đai 4 TP.HCM.
Tiết kiệm hơn 4.000 tỉ, không tác động đến quy hoạch chung
Theo UBND TP.HCM, tuyến đường Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, mỗi địa phương sẽ chủ trì thực hiện đoạn đi qua địa bàn mình. Tại TP.HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (TX.Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (H.Đức Hòa, Long An).
Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, đề xuất 3 phương án để lấy ý kiến, lựa chọn phương án tối ưu thực hiện đường Vành đai 4 TP.HCM. Theo đó, sẽ có khoảng 669 căn nhà không phải di dời khi nắn đường Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM.
Cụ thể, theo phương án hướng tuyến 1, tuyến đường sẽ thực hiện theo hướng tuyến quy hoạch, đi trùng đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo... qua H.Củ Chi. Nhưng đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7 km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1 km ở H.Củ Chi có nhiều nhà cửa, công trình nên dù phương án này có diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Chưa kể, tuyến vành đai đi qua đường hiện hữu nên khi triển khai thi công sẽ rất khó khăn về tổ chức giao thông. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án cũng cao nhất, gần 17.792 tỉ đồng ở giai đoạn 1 và giai đoạn hoàn thiện hơn 26.000 tỉ đồng.
3 phương án tuyến Vành đai 4 đoạn qua H.Củ Chi, TP.HCM
Với phương án 2, phần đầu tuyến dài khoảng 9,7 km sẽ nắn chỉnh về phía nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4 km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Nhờ vậy, tuyến đường tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí GPMB. Theo cách này, dự án giảm kinh phí đầu tư giai đoạn 1 còn khoảng 13.800 tỉ đồng, giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 22.300 tỉ đồng.
Phương án còn lại, tuyến được nắn chỉnh khoảng 14,1 km về phía nam để tránh các đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Tuyến cắt ngang qua khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Tổng kinh phí khoảng 13.600 tỉ đồng, mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện giảm 4.000 tỉ đồng, còn khoảng 22.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM đề xuất TP đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai (nối TP.HCM - Long An) để dự án được đồng bộ.
ĐỒ HỌA: HOÀNG LÂM
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá phương án 3 khả thi hơn khi tuyến đi thẳng, ngắn, chi phí đầu tư thấp hơn các hướng còn lại. Phương án này cũng hạn chế ảnh hưởng người dân, vì chỉ di dời khoảng 481 căn nhà, công trình, trong khi phương án 1 cần giải tỏa 1.150 trường hợp, phương án 2 khoảng 486.
"4.000 tỉ đồng là mức giảm đáng kể, giúp dự án có nhiều cơ hội hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, GPMB luôn là khâu khó nhằn và tốn nhiều thời gian nhất đối với các dự án giao thông, hạ tầng trên địa bàn TP. Vì thế, hướng tuyến tránh được càng nhiều khu dân cư thì thời gian GPMB, triển khai dự án càng được rút ngắn", đại diện Sở GTVT TP trao đổi với PV Thanh Niên chiều 19.2.
Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá về nguyên tắc, quy hoạch chung mang tính định hướng trong thời gian rất dài, được thực hiện trên bản đồ rất lớn, chưa phải định vị trên đất nên chưa thể cắm mốc. Quy hoạch chung hệ thống đường Vành đai của TP.HCM đã có từ vài chục năm trước, trong quá trình đó, địa hình, địa vật, dân cư có rất nhiều sự thay đổi cục bộ. Vì thế, khi bắt đầu triển khai, xác định hướng tuyến, việc khảo sát để xây dựng phương án mới tối ưu với hiện trạng là điều hợp lý, không gây tác động tiêu cực tới quy hoạch chung của TP.
"Hướng tuyến mới tránh được nhiều tuyến đường hiện hữu, giảm số hộ dân bị di dời, còn tiết kiệm được 4.000 tỉ đồng - phương án quá hợp lý. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện hiệu quả của việc thay đổi hướng tuyến, TP.HCM cần làm rõ thêm những yếu tố liên quan như địa chất, những vùng cấm mới phát sinh và tác động về mặt xã hội của dự án…", kiến trúc sư Võ Kim Cương lưu ý.
Đột phá kinh tế toàn vùng
Không chỉ riêng TP.HCM, các địa phương có tuyến Vành đai 4 đi qua cũng đang gấp rút chuẩn bị đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Như Nghị quyết duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định chi 750 tỉ đồng để bồi thường, GPMB làm đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua địa phương. Tỉnh này cũng yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán kỹ phương án đi kèm với giải pháp tài chính, phương án giải quyết các vấn đề tối ưu về giao thông… Trong đó, nghiên cứu phương án đầu tư 4 làn cao tốc và mở rộng dải phân cách ở giữa.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh với hướng tuyến kéo dài từ Long An, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về Bà Rịa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ là tuyến giao thông kết nối quan trọng nhất của vùng Đông Nam bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả các địa phương phát triển công nghiệp đều phải đi qua đường Vành đai 4 TP.HCM để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển. Đặc biệt, dự án tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Long An cũng đang gấp rút hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để khởi công đoạn 9,3 km Vành đai 4 TP.HCM ngay trong tháng 2 này. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành Vành đai 4, cùng lúc thông xe phần cao tốc tuyến Vành đai 3, để sẵn sàng về đích mạng lưới giao thông trọng điểm kết nối với TP.HCM cùng các địa phương, đột phá kinh tế từ 2026.
Theo kiến trúc sư Võ Kim Cương, về nguyên tắc chung, khi làm được một hệ thống giao thông, phát triển được hạ tầng thì sẽ tạo điều kiện nâng cao giá trị từ đất đai, tiền đề đột phá kinh tế chung của cả vùng. Đó là lý do vì sao các nước phát triển thường ưu tiên, tập trung đầu tư rất sớm mạng lưới hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng hệ thống giao thông. Tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam hiện nay đang gặp phải tình trạng công trình xây dựng "chóng mặt" khắp nơi nhưng không có giao thông kết nối. Vì thế, công trình không phát huy được hết hiệu quả mà còn phát sinh ùn tắc, kéo giảm chất lượng sống của người dân và kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế.
"Vành đai 4 cũng như hệ thống đường vành đai sau khi hoàn thiện không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM. Đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc", kiến trúc sư Võ Kim Cương nhấn mạnh.
Theo mục tiêu đề ra, Vành đai 4 TP.HCM sẽ hoàn thành tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9.2023 để thẩm định, phê duyệt và công bố thông tin dự án sau đó 3 tháng. Toàn bộ công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện theo từng giai đoạn đến tháng 1.2024 có mặt bằng để khởi công công trình vào tháng 9.
Công tác bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện song song trong quá trình dự án thi công để tháng 12.2027 hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến. Dự án Vành đai 4 TP.HCM dự kiến đưa vào khai thác, thu phí vào quý 1/2028. Căn cứ mốc tiến độ nêu trên, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai từng đoạn qua địa bàn quản lý./.
Nguồn: Hà Mai/thanhnien.vn