Những ngày cuối cùng của năm cũ, người người, nhà nhà thường đi chợ sắm Tết. Họ không chỉ mua hoa để bày trên bàn thờ, trang trí nhà cửa đón xuân mới mà còn mua một loại cây hoa dùng để nấu nước tắm, đó là cây mùi già.
Theo sách Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, người Việt coi việc tắm nước lá chiều cuối năm như một thứ nghi lễ. Cùng với việc mua sắm đón tết, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì các bà mẹ thường không quên nấu nước tắm cho cả gia đình trong ngày 30 Tết.
Loại cây được dùng nhiều trong tắm tất niên là cây mùi già. Người xưa quan niệm rằng mùi thơm đó có ý nghĩa đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành.
Cây mùi già được người nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm trồng xen ké với các loại rau khác.
Hai vợ chồng anh Vũ Bá Toàn (Lệ Chi, Gia Lâm) đang tất bận thu hoạch mùi già trên sào đất nhà mình vừa chia sẻ với phóng viên: “Ở làng chúng tôi gần như nhà nào cũng trồng mùi già để bán vào những ngày cuối năm. Cây này được gia đình tôi trồng vào cuối tháng 9 âm lịch, sau 3 tháng thì bắt đầu thu hoạch từ ngày 25-30 Tết”.
Mùi già được người dân bó thành từng bó lớn vác trên vai, mang ra điểm tập kết cho các thương lái. Theo anh Toàn mỗi sào mùi cho gia đình anh lãi từ 5 - 6 triệu.
“Năm nay nhà tôi trồng hơn 3 sào phục vụ cho Tết 2023. Từ ngày 25 âm lịch, các thương lái đã ra đến ruộng đặt hàng mùi. Người ta mua mùi về chủ yếu để tắm tất niên, một số khác thì cắm vào lọ hoa, xông nhà.
Đặc biệt, chiều 30 Tết bên bếp lửa luộc nồi bánh chưng của các gia đình thường đặt thêm nồi nước tắm mùi già để ai tiện lúc nào thì tắm tất niên lúc đó”, ông Vũ Văn Phan (Lệ Chi, Gia Lâm) cho biết.
Hai vợ chồng anh Toàn đang tất bận thu hoạch mùi già.
Bó mùi già cùng với quả và hoa tất cả được rửa sạch, cho vào nồi nước đặt bên cạnh bếp lửa luộc bánh chưng mà cũng sôi lên, tạo thành thứ nước lá có màu xanh đậm đặc, hương thơm đặc trưng của hạt mùi già tỏa ra thật dễ chịu và nhẹ nhõm.
PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng Khoa Văn hóa Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết: "Phong tục tắm lá mùi vào dịp cuối năm là một nét văn hóa sinh hoạt đẹp và ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam chúng ta".
Theo ông Trung, có người còn cầu kỳ cẩn thận hơn khi sáng mồng một Tết còn rửa mặt bằng một chậu nước nóng với nước cây mùi già, nhằm mang đến sự sảng khoái,thanh khiết với ý nghĩa cho sự khởi đầu tốt đẹp của một năm mới.
Người Việt quan niệm, tất niên là kết thúc năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Tắm tất niên chính là “tống cựu nghinh tân”, chào đón cái mới với nhiều hy vọng về sự may mắn./.
Nguồn: Nông Thảo Ly/doisongphapluat.com