Thiếu việc làm cuối năm: cục bộ hay đồng bộ?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thiếu việc làm cuối năm: cục bộ hay đồng bộ?

Những bất thường của thị trường lao động tại TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai đã được nhận biết từ giữa năm 2022 khi mà đơn hàng của các ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ sụt giảm đáng kể. Từ việc săn đón để tuyển dụng bằng được lao động của quý 4 năm 2021 cho đến quý 2 năm 2022, quý 3 và 4 năm 2022 lại chứng kiến các đợt cắt giảm giờ làm, thậm chí tạm hoãn hợp đồng, cắt giảm lao động của những doanh nghiệp có quy mô cả chục ngàn công nhân. Tuy nhiên, liệu đây là tình trạng đồng bộ hay chỉ là cục bộ trong các nhóm ngành nghề?

Thiếu việc làm cục bộ

Chia sẻ trong tọa đàm về Tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM tổ chức, bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng Nhân sự công ty Pouyen chia sẻ: công ty hiện có 52.000 lao động. Do số lượng đơn hàng giảm 20-30%  nên tháng 12 này, 18.000 lao động của coogn ty phải sắp xếp giảm giờ làm còn 5 ngày làm việc một tuần, nghỉ luân phiên và những ngày nghỉ được hưởng lương cơ sở vùng. Mặc dù vậy, ban giám đốc công ty cho đến hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm lao động mà ngược lại vẫn đang nỗ lực  sử dụng tất cả các biện pháp giữ đơn hàng cũ, tìm kiếm đơn hàng mới để giữ chân công nhân.  

Tọa đàm Tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm - Ảnh Bích Thủy

Giữ chân công nhân dù biết như vậy sẽ là một gánh nặng không nhỏ về chi phí, cũng là cách mà công ty Shang Hung Chang đang thực hiện. Từ cuối tháng 9, công ty này đã ngưng tuyển dụng mới. Số công nhân cũ thì không làm thêm giờ và 1 tuần chỉ làm việc 4 - 5. Cong ty cũng đã quyết định tăng ngày nghỉ tết Quý mão lên 15 ngày để cầm cự. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12, công ty cũng đã phải tạm hoãn lao động hơn 1.000 người trong 2 -3 tháng.

Trong khi đó,từ tháng 10.2022, công ty may thêu giày An Phước lại liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động với số lượng 500 người cho nhiều vị trí. Thị trường chủ yếu của công ty là nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản cho dòng sản phẩm đồng phục nên đơn hàng đã đủ cho cả năm 2023. Với mức lương từ 6,5 – 12 triệu đồng và các chính sách tăng ca, lương tháng 13, hỗ trợ nhà trọ.. nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 5,6 ứng viên.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, cùng trong ngành may nhưng đơn hàng giảm ở nhóm ngành hàng casual, ngược lại nhóm đồng phục, bảo hộ lao động lại ổn định, thậm chí tăng. Đây cũng là thực trạng của ngành dệt. Nếu thời điểm cuối năm 2021 đầu năm 2022, ngành sợi cotton thắng lợi thì hiện nay, đây lại là nhóm ngành sụt  giảm đơn hàng đáng kể, hàng tồn kho nhiều. Chính vì vậy, thiếu việc làm do thiếu đơn hàng chỉ là tình trạng cục bộ.

Thiếu việc làm – nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do đơn hàng

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xu thế dịch chuyển đơn hàng đang có chiều hướng từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc để tiết giảm chi phí, do mức lương cơ sở ở khu vực này thấp hơn so với phía Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm đơn hàng, dẫn đến cắt giảm việc làm, giờ làm tại phía Nam.

 

Tuy nhiên, hơn 1.400 công nhân công ty Samho Củ Chi, TP.HCM bị cắt giảm lao động và chính thức nghỉ việc từ ngày 30.11 thì đã có hơn 700 người ngay lập tức có việc làm mới tại các doanh nghiệp cùng nhóm ngành trên cùng địa bàn. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động với chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp huyện Củ Chi dựa trên quỹ việc làm sẵn có. Tuy nhiên, không phải công nhân nào mất việc cũng lập tức muốn tìm việc làm ngay

Ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc Nhân sự công ty May thêu Thuận Phương chia sẻ “Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với công nhân của Tỷ Hùng, và công nhân họ nhận tờ rơi của chúng tôi. Họ hỏi bên công ty chúng tôi có đóng bảo hiểm không? Chúng tôi trả lời là đóng đầy đủ theo quy định thì họ nói không được rồi, em đang chờ nhận bảo hiểm xã hội 1 lần”. Công nhân có thâm niên lâu năm thường chọn phương án ngưng tìm việc để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần cùng với trợ cấp thất nghiệp, sau đó mới tính tiếp. Thậm chí, có người vì lo ngại những thông tin về quy định mới trong dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội mà quyết định tự thôi việc để cầm chắc những khoản tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, dù có tình trạng thiếu việc làm cục bộ nhưng những nơi cần lao động cũng không dễ gì để tuyển dụng.

Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm đồng thuận đưa ra kiến nghị với chính phủ xem xét có các chính sách như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của nghị quyết 68 được ban hành để giải quyết khó khăn cho cả người sử dụng lao động và người lao động trong thời điểm khó khăn này. Bởi chỉ nỗ lực của doanh nghiệp thì khó có thể chèo chống giữ chân công nhân, khi mà chưa ai có thể chắc chắn về thời điểm có lại đơn hàng. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia cũng sẽ là nền tảng để kịp thời kết nối người lao động với người sử dụng lao động khi sản xuất được phục hồi, tránh tình trạng có việc lại phải đi kiếm người như thời điểm sau đại dịch covid – 19./.

Bài và ảnh: Bích Thủy/kenhcongdong.com