Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Quyết định số 1454 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1.9.2021, đường Vành đai 4 TP.HCM dài khoảng 199 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 18 km, Đồng Nai 45 km, Bình Dương 49 km, TP.HCM 17 km, Long An 71 km. Quy mô 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỉ đồng, đầu tư trước năm 2030. Theo kế hoạch, các địa phương có dự án đi qua sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12 năm nay.
Bản đồ phân chia dự án Vành đai 4
Với đoạn 17 km đường Vành đai 4 đi qua TP.HCM, Sở GTVT TP cho biết đã phối hợp với Sở GTVT các địa phương thống nhất hướng tuyến tại vị trí tiếp giáp tỉnh Bình Dương (cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn), tiếp giáp tỉnh Long An (cầu kênh Thầy Cai), đồng thời nghiên cứu bổ sung 3 phương án mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư dự án. Cụ thể:
Phương án 1: Tuyến gần như đi trùng quy hoạch, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.800 tỉ đồng, với gần 10.700 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thiện, tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng. Hướng tuyến này được đánh giá một nửa lộ trình đi trùng các đường hiện hữu, diện tích thu hồi đất ít, nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí bồi thường cao. Đồng thời, việc kết nối giao thông dọc tuyến cũng bị cho không thuận lợi ở một số vị trí.
Phương án 2: Đoạn vành đai được nắn chỉnh 9,7 km đoạn về phía nam tại một số khu vực để tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành... tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 13.800 tỉ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 22.300 tỉ đồng.
Nếu chọn phương án này, tuyến cơ bản tránh các đường hiện hữu, số hộ di dời ít hơn, chi phí giải phóng mặt bằng giảm.
Phương án 3: Cũng tương tự phương án 2 nhưng sẽ nắn chỉnh khoảng hơn 14 km tuyến về phía nam để tránh các đường hiện hữu. Chiều dài toàn tuyến sẽ rút ngắn còn 16,75 km, giảm kinh phí đầu tư giai đoạn 1 xuống còn hơn 13.600 tỉ đồng, giai đoạn hoàn thiện còn hơn 22.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM đề xuất thành phố đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai (nối TP.HCM - Long An) để dự án được đồng bộ.
Mô hình đại lộ ven sông Sài Gòn - smartland.vn/
Lãnh đạo ngành giao thông thành phố dự kiến công tác tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Sau đó, tháng 3.2023 hoàn thành thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Việc tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn thành vào tháng 9.2023 để thẩm định, phê duyệt và công bố thông tin dự án sau đó 3 tháng.
Toàn bộ công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện theo từng giai đoạn đến tháng 1.2024 có mặt bằng để khởi công công trình vào tháng 9. Công tác bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện song song trong quá trình dự án thi công để tháng 12.2027 hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến. Dự án Vành đai 4 TP.HCM dự kiến đưa vào khai thác, thu phí vào quý 1/2028.
Theo mục tiêu đề ra, Vành đai 4 TP.HCM sẽ khởi công vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2028. Căn cứ mốc tiến độ nêu trên, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai từng đoạn qua địa bàn quản lý./.
Nguồn: Hà Mai/thanhnien.vn