Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe đã thành chủ đề nóng với ngành GTVT nói riêng và với người dân cả nước nói chung. Nhiều dự án cầu đường bị lún bề mặt khi đưa vào khai thác, làm ảnh hưởng đến ATGT và chất lượng khai thác, cũng như chi phí sửa chữa, duy tu của dự án. Điển hình là tình trạng hằn lún trước đây tại dự án Đại lộ Đông Tây, Tỉnh lộ 25B, QL18, QL 5, QL 1… Bằng việc ứng dụng các loại nhựa đường cải tiến chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường khả năng chống lún trồi của bê tông nhựa.
Ngày 3.11, được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Khu quản lý đường bộ IV (Cục Quản lý đường bộ Việt Nam), Trường ĐH Công nghệ GTVT phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng BMT tiến hành đưa sản phẩm công nghệ BTNC sử dụng phụ gia gốc PE tái chế có tên ZAG1 vào sửa chữa mặt đường từ Km31+ 030 đến Km31 + 230 trên tuyến Quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Đổng Nai.
Đây là lần thử nghiệm trước khi công nghệ BTNC sử dụng phụ gia gốc PE tái chế ZAGI được cấp phép sản xuất đại trà và đưa vào khai thác thi công sửa chữa, chống hằn lún mặt đường bê tông nhựa tại Việt Nam.
Để cải tiến nhựa đường, các nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng rất nhiều loại phụ gia polime để giải quyết bài toán chống hằn lún vệt bánh xe… Mỗi loại phụ gia đều có những ưu khuyết điểm riêng khi xem xét bài toán tổng thể về tính năng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường.
Phụ gia từ chất thải nhựa là giải pháp tối ưu nhất cho bài toán nêu ra và đã được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng BMT (Công ty BMT) nghiên cứu nhiều năm. Được biết, từ năm 2019, Công ty BMT đã xin phép đưa sản phẩm BTN sử dụng phụ gia gốc PE tái chế vào thi công đại trà sửa chữa các tuyến đường, cao tốc. Bởi sau nhiều lần thử nghiệm từ tháng 12.2017 (Nhơn Trạch) và tháng 01.2018 (QL1A An Sương). Tới nay, qua thời gian khai thác, những đoạn đường này vẫn duy trì được độ ổn định, chất lượng mặt đường đạt các yêu cầu đề ra.
Bê tông nhựa chặt sử dụng phụ gia ZAG1 có hiệu quả tăng khă năng kháng hằn lún vệt bánh xe tương đương sản phẩm bê tông nhựa chặt sử dụng nhựa đường biến tính PMB3 (độ hằn lún chỉ dưới 3.5 mm sau 40.000 lượt tác dụng tại nhiệt độ 50 độ C trong môi trường nước). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về thông số Marshall, cường độ chịu kéo khi uốn, khả năng kháng nứt đều đạt yêu cầu kỹ thuật. Một trong những đặc điểm vượt trội khác của công nghệ này là hạt phụ gia PE dễ dàng nóng chảy và phân tán trong hỗn hợp bê tông nhựa nóng, nhờ đó giúp đơn giản hóa và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bằng việc tái chế từ rác thải nhựa – nguồn rác đang chiếm lượng lớn rác thải ngoài môi trường, công nghệ mới này không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn giúp tiết kiệm nguồn nguyên liệu khai thác. Nhờ đó, giá thành sản phẩm không tăng nhiều và hoàn toàn không làm biến động chi phí đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, thỏa mãn các chỉ tiêu kĩ thuật trong sửa chữa, tái sinh, giảm hằn lún mặt đường.
Nhóm kỹ sư nghiên cứu và các cộng sự
Trên thế giới, việc sử dụng rác thải nhựa làm phụ gia trong sản xuất BTN trong sửa chữa đường đều cho kết quả khả quan và được cho là cải thiện tuổi thọ và giải quyết các vấn đề hư hỏng tốt hơn BTN 60/70 thông thường.
Việc tiếp tục tiên phong thử nghiệm công nghệ mới như sử dụng phụ gia cải tiến chống hằn lún BTN bằng vật liệu tái chế ZAG1 trong sản xuất BTN bằng phương pháp trộn khô cho thấy BMT vẫn đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng duy tu, sửa chữa đường bộ bằng việc đưa vào thử nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT./.
Bài và ảnh: Hương Giang/kenhcongdong.com