Từ 16-17/10, khả năng cao xuất hiện bão trên khu vực Biển Đông

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Từ 16-17/10, khả năng cao xuất hiện bão trên khu vực Biển Đông

Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn.

Ngày 15/10, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, hiện có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía Đông của Philipines.

Dự báo áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão và khoảng ngày 16-17/10 di chuyển vào Biển Đông, khả năng cao trở thành cơn bão số 6.

Diễn biến thời tiết phức tạp

Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn tập trung chính ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Tổng lượng mưa tháng 11/2022, khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30%; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông có thể ảnh hưởng tới thời tiết khu vực phía Nam của Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục theo dõi và cảnh báo kịp thời nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022.

Nhận định về tình hình lũ, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, hiện lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đang lên; riêng lũ trên sông Bồ đang lên nhanh theo điều tiết xả của thủy điện Hương Điền.

Dự báo lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu và sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn có khả năng đạt đỉnh, sau xuống dần. Đỉnh lũ tại Câu Lâu khả năng ở mức 3,6m, dưới báo động 3 là 0,4m; tại Thạch Hãn ở mức 5,7m, dưới báo động 3 là 0,3m. Lũ trên sông Hương tiếp tục dao động ở mức cao, sông Vu Gia tiếp tục xuống.

Với tình hình trên, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có mưa to. Khu vực phía Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế lượng mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 17/10 trở đi, mưa tại khu vực Trung Bộ giảm nhanh.

"Năm 2022,  cơ quan Khí tượng Thủy văn đã dự báo có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường. Đối với đợt mưa này xảy ra ở miền Trung, cơ quan Khí tượng Thủy văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biển 200-500 mm, cục bộ cơ nơi trên 800mm ở Trung Bộ", Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Dự báo về không khí lạnh, ông Hưởng cho hay hiện bộ phận áp cao lục địa ở phía Nam Trung Quốc đang dịch dần xuống phía Nam, dự báo khoảng từ ngày 16/10, bộ phận không khí lạnh này có thể bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ.

Không khí lạnh cũng có khả năng cao sẽ tương tác với cơn bão số 6 khiến cho các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới còn rất phức tạp.

Thông tin về tình hình mưa lũ những ngày qua, ông Hưởng cho rằng, theo số liệu quan trắc, lượng mưa từ 19 giờ ngày 13/10 tới 7 giờ sáng ngày 15/10 tại Quảng Trị phổ biến 100-300mm, Thừa Thiên-Huế phổ biến 250-550mm, thành phố Đà Nẵng phổ biến 550-600mm, Quảng Nam phổ biến 100-400mm.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong thời gian từ 1 giờ ngày 14/10 đến 1 giờ ngày 15/10, một số nồi có mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697.6mm, Suối Đá 775.2mm. Lượng mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn: Lượng mưa 1 giờ lớn nhất là 150.2mm (từ 19h-20h ngày 14/10); lượng mưa 3 giờ lớn nhất là 406.6mm (từ 18-21h ngày 14/10); lượng mưa 6 giờ lớn nhất là 567.8mm (từ 15-21h ngày 14/10).

Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của Thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các quận, huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Lý giải về nguyên nhân mưa to gây ngập lớn tại thành phố Đà Nẵng, ông Hưởng cho rằng, là tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió Đông.

Cùng với đó, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh. Mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn, cụ thể trong tối và đêm 14/10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, trong đó có thành phố Đà Nẵng ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.

Ngoài ra, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại khu vực miền Trung

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 12 giờ 30 phút ngày 15/10, mưa lũ đã làm 1 người chết (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng); 684 nhà bị ngập từ 0,3-0,5m tại huyện Hải Lăng, 19 điểm giao thông bị ách tắc do ngập từ 0,6-1,5m tại tỉnh Quảng Trị; 11.200 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m, nhiều điểm giao thông ngập từ 0,4-0,7m tại thành phố Huế và các huyện: Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại thành phố Đà Năng. mưa lũ đã làm 3.892 nhà bị ngập từ 0,4-1m, hiện nay nước trên các tuyến đường và một số khu dân cư đã rút.

Để tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với mưa lũ và Công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Các tỉnh, thành phố dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ (từ 5-7 ngày), nhất là các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, có nguy cơ chia cắt; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; các hồ chứa lớn trong quy trình liên hồ vận hành đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du; tạm dừng thi công và có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công trong khu vực có nguy cơ cao.

Các địa phương tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học, người lao động tại các cơ sở sản xuất khu vực ngập sâu nghỉ làm để đảm bảo an toàn; triển khai các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản; sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung; tổ chức thông tin, truyền thông về diễn biến mưa lũ, ngập lụt và khuyến cáo người dân không tham gia giao thông tại vùng ngập lụt khi xảy ra mưa lớn; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đối với người dân ở vùng ảnh hưởng của mưa lũ, cần theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh như lập tức di tản đến khu vực chú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu; tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút; hông đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết; ử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ; đề phòng lũ quét tiềm ẩn; nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…

Sau khi xảy ra lũ, lụt, các gia đình cần chú ý đến trẻ em, không để trẻ nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

Người dân không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Sử dụng nước từ các nguồn an toàn (chẳng hạn như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).

Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt, người dân cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.../.

Nguồn: Thắng Trung/vietnamplus.vn