Vì sao miền Nam thiếu xăng dầu trầm trọng?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Vì sao miền Nam thiếu xăng dầu trầm trọng

Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng. Tại các địa phương này, tập trung phần lớn các doanh nghiệp tư nhân.

Hồi tháng 2, hàng loạt cây xăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Hơn 6 tháng sau, tình trạng này tiếp tục tiếp diễn với lý do tương tự.

Đặc biệt, từ giữa tháng 8 đến nay, sau thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu 1-2 tháng, các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn hơn về nguồn cung lẫn chiết khấu.

Đỉnh điểm đến ngày 8-9/10, 54 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng.

Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ, tình trạng hết xăng, đóng cửa nghỉ bán xuất hiện rất ít, chỉ diễn ra cục bộ ở một số thời điểm.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn về nguồn cung lẫn chiết khấu. Ảnh: Đức Anh.

Thiếu xăng dầu trầm trọng

Ngày 10/10, con số cửa hàng cạn kiệt xăng dầu tại TP.HCM tăng thêm 67 cửa hàng nâng tổng số lên 121 cửa hàng hết xăng dầu. Khách hàng ồ ạt chuyển sang các cây xăng của Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro chờ mua xăng trong bối cảnh cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân khác đóng cửa hàng loạt.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Đông Sài Gòn là đơn vị có một cây xăng phải tạm ngưng hoạt động trong ngày 9/10 cho biết nguồn cung xăng dầu tê liệt hoàn toàn.

"Chúng tôi nhập hàng của Petrolimex nhưng hiện nay nhà cung cấp này báo quá hạn mức giao hàng và không hẹn ngày giao. Đến sáng nay (11/10), các cây xăng của doanh nghiệp gần như hết sạch xăng và dầu", ông nói với Zing.

Ông Tùng cho biết đây là lần đầu tiên ông chứng kiến tình trạng cạn kiệt xăng dầu nghiêm trọng như hiện nay. Chưa kể chiết khấu rất thấp khiến doanh nghiệp phải kinh doanh lỗ 2.000 đồng/lít từ đầu năm đến nay. "Vài ngày nữa, chắc cũng không có giọt xăng dầu nào để bán. Chúng tôi chịu hết nổi rồi", ông than.

Theo chủ doanh nghiệp này, điều quan trọng nhất đối với các cửa hàng bán lẻ là nguồn cung và chiết khấu. Chỉ khi hai vấn đề này ổn định thì tất cả cây xăng sẽ hoạt động bình thường.

Các cây xăng nhượng quyền của Petrolimex, PV Oil tại TP.HCM đều ngừng hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thực tế, dù Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối lớn bổ sung, chia sẻ nguồn hàng cho các thương nhân phân phối bán lẻ khác, tình trạng hết xăng dầu vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại các cây xăng của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Theo một doanh nghiệp đầu mối tại phía nam, tình hình nguồn cung khu vực này gặp khó một phần vì quyết định rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu 7 đơn vị đầu mối từ giữa tháng 7. Đáng nói, các doanh nghiệp đầu mối này tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Chẳng hạn như Satra, Xuyên Việt Oil, Phúc Lâm...

Thực tế, hiện nay, trong hệ thống đại lý xăng dầu ở Việt Nam, việc mua bán không gắn chặt với một doanh nghiệp cung cấp nào đang rất phổ biến. Doanh nghiệp nào có nguồn hàng và chiết khấu cao sẽ nhập ở đơn vị đó, mua bán xăng dầu không tuân thủ theo hợp đồng.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể mua bán theo hợp đồng một số lượng nhất định, còn lại mua ngoài, mua trôi nổi. Vì vậy, khi thị trường có biến động mạnh, các đầu mối khác không đủ hàng để bán sẽ xảy ra tình trạng các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền bị thiếu hàng cục bộ như thời gian qua.

Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu mối vừa qua có tình trạng e ngại nhập khẩu xăng dầu khi giá thế giới giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo. Dẫn số liệu cơ quan hải quan, Bộ Tài chính cho biết quý III sản lượng nhập khẩu giảm 40% với xăng, 35% với dầu diesel so với quý trước.

Chỉ 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu. Trong đó, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý III cũng không nhập như Xuyên Việt Oil. Hai thương nhân đầu mối thường nhập khẩu trong thời gian trước đây đã không thực hiện nhập khẩu vào quý III như dầu khí Nam Sông Hậu, xăng dầu Tín Nghĩa.

Người dân ùn ùn đi đổ xăng trong sáng 10/10. Ảnh: Quỳnh Danh.

 

Cơ quan Nhà nước phải khống chế lại quyền của thương nhân phân phối, không được quyền ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối.

Ông Lê Thanh Mân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Tháp (Petimex).

Bất cập trong điều hành xăng dầu

Đại diện PV Oil cho biết trong 9 ngày đầu tháng 10, sản lượng xăng dầu PV Oil cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%. Cá biệt, tại TP.HCM, sản lượng xăng dầu do PV Oil cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

"Trong 2 ngày gần đây, sản lượng bán lẻ của PV Oil Sài Gòn và TIMEXCO tăng rất cao so với bình quân các ngày trước đó (xăng tăng 60%, dầu tăng 25%). Mặc dù doanh nghiệp liên tục đưa hàng về các cây xăng nhưng đôi lúc cũng không kịp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến", đại diện đầu mối này chia sẻ.

Tương tự, Petrolimex Sài Gòn cũng huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho tất cả hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình trong đêm 9/10 để tăng cường nguồn cung, bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.

Trao đổi với Zing, ông Lê Thanh Mân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho biết hiện tại nguồn cung xăng dầu của doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ cho các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng thuộc hệ thống.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn chia sẻ và hỗ trợ thêm cho một số thương nhân phân phối khác khi nguồn cung của họ đang gặp khó khăn. "Tháng trước, bình quân doanh nghiệp bán khoảng 50-55 triệu lít xăng dầu nhưng tháng này con số tăng lên 71 triệu lít. Do đó lượng tồn kho không còn, hàng nhập về không kịp bán", ông nói.

Theo ông Mân, hiện nay, để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần điều chỉnh lại giá cơ sở xăng dầu sát với biến động của giá thị trường thế giới. Chỉ khi tăng từ 500 đồng trở lên thì các cơ sở xăng dầu mới hoạt động ổn định được.

Bên cạnh đó, cần rút ngắn lại thời gian điều hành còn 7 ngày, tức điều hành vào ngày thứ 2 hàng tuần thay vì 15 ngày như trước.

"Đặc biệt, để ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối và hệ thống phân phối thì cơ quan Nhà nước phải khống chế lại quyền của thương nhân phân phối, không được quyền ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối", ông nhìn nhận.

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối này cho rằng chỉ khi Chính phủ vào cuộc xử lý được các yếu tố trên thì thị trường kinh doanh xăng dầu mới có thể ổn định trở lại.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính đang có vấn đề, thiếu minh bạch. "Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại 'thả nổi' hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý... thì sẽ có vấn đề", ông nhận định.

Theo ông, việc này sẽ tạo cơ hội cho độc quyền kinh doanh xăng dầu, các nhà bán lẻ xăng dầu riêng, doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu thiệt.

"Xăng dầu là mặt hàng có sự kiểm soát của Nhà nước, do đó cơ quan quản lý phải kiểm soát và dự báo được cả quá trình, kể cả mức chiết khấu giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt các chính sách, thể chế liên quan đến môi trường kinh doanh phải minh bạch, nhất quán", ông nói./.

Nguồn: Thanh Thương/zingnews.vn