Với chính sách "Zero COVID", Trung Quốc là một trong những nước phát triển kiểm soát tốt nhất đà lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại những tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nước này.
Theo China News, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 11/1 cho biết, nước này ghi nhận thêm 192 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 110 ca lây nhiễm cộng đồng.
Thiên Tân đang là điểm nóng mới nhất ở Trung Quốc khi thành phố này ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng vào cuối tuần trước. Hai ca nhiễm này gồm 1 học sinh 10 tuổi và 1 nữ nhân viên làm việc tại một trung tâm hỗ trợ học sinh sau giờ học.
Cho đến nay, nguồn lây của 2 ca nhiễm này vẫn chưa được xác định, tuy nhiên thành phố An Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) cũng đã ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở Thiên Tân. Một trong hai người này là sinh viên từ Thiên Tân về An Dương vào ngày 28/12/2021.
Các chuyên gia dịch tễ Trung Quốc cho rằng đây là trận chiến thực sự đầu tiên chống lại Omicron ở Trung Quốc đại lục, đồng thời đưa ra cảnh báo về những nguy cơ mà đợt bùng phát ở Thiên Tân gây ra cho Bắc Kinh, bởi số lượng người đi lại giữa hai thành phố là rất lớn.
Ngay sau khi cụm dịch ở Thiên Tân được phát hiện, các trạm kiểm soát trên tuyến đường từ Thiên Tân đến Bắc Kinh đã nhanh chóng siết chặt khâu kiểm tra phòng dịch. Người lao động muốn vào Bắc Kinh phải liên hệ với cấp trên và kí giấy cam kết. Nhiều phương tiện đã được thuyết phục quay đầu. Một số cư dân Bắc Kinh trở về từ Thiên Tân được yêu cầu cách ly tại nhà.
Trung Quốc vẫn áp dụng biện pháp chống dịch nhanh, mạnh và nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đến nay vẫn kiên trì với chiến lược "Zero COVID" (Không COVID-19), với các biện pháp phản ứng nhanh, truy vết thần tốc, phong tỏa nghiêm ngặt,... nhằm nỗ lực đưa số ca nhiễm mới về 0.
Với "Zero COVID", Trung Quốc là một trong những nước phát triển kiểm soát tốt nhất đà lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại những tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nước này.
Người dân túng quẫn vì phong tỏa
Trước Thiên Tân, Trung Quốc đã ghi nhận ổ dịch COVID-19 do biến thể Delta ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) vào đầu tháng 12. Tính đến ngày 9/1, số ca bệnh liên quan đến ổ dịch Tây An đã vượt mốc 2.000 ca, khiến thành phố này trở thành tâm dịch lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau đợt bùng phát ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi đầu năm 2020.
Nhà chức trách Tây An cho biết hơn 42.000 người bị cách ly tại các cơ sở tập trung. Gần 3 tuần qua, toàn bộ Tây An đã bị phong tỏa. Người dân thành phố không được phép rời khỏi nhà. Nhiều đợt xét nghiệm diện rộng toàn thành phố đã được tiến hành nhằm truy vết ca lây nhiễm.
Theo The Guardian, phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài khiến không ít người dân túng quẫn, tình hình trở nên tồi tệ hơn trước tình trạng thiếu nguồn cung thực phẩm.
Người sử dụng mạng xã hội phàn nàn về tình trạng thiếu hụt thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Giới chức Tây An cho biết nguyên nhân do thiếu nhân viên giao hàng, đồng thời cam kết sẽ khắc phục sớm nhất có thể.
Người dân Tây An mua nhu yếu phẩm tại một quầy hàng tiện lợi tạm thời. Ảnh: AFP
Tây An có một ứng dụng y tế trên điện thoại phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần từ khi đợt bùng phát bắt đầu, ứng dụng này đã 2 lần gặp trục trặc do bảo trì hệ thống kém hiệu quả.
Hậu quả là người dân không có "mã xanh" để ra khỏi nơi cư trú hoặc đi đến các cơ sở công cộng như bệnh viện, dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Truyền thông địa phương cho biết, 2 phụ nữ bị xảy thai do các biện pháp phong tỏa khiến họ không được chăm sóc kịp thời tại bệnh viện. Trong khi đó, một bệnh nhân tim mạch đã tử vong khi đang chờ được điều trị.
Chính quyền Tây An đã đình chỉ công tác giám đốc dữ liệu của thành phố sau khi ứng dụng y tế gặp trục trặc. Nhiều quan chức các quận và bệnh viện bị sa thải do không bảo đảm chăm sóc y tế kịp thời cho người dân. Giám đốc y tế thành phố Tây An cũng phải chính thức xin lỗi vì những sai sót trong giai đoạn phong tỏa vừa qua.
Các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt cũng làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của các trường học tại Tây An, đặc biệt trong bối cảnh các kỳ thi diễn ra trong thời gian phong tỏa.
Lệnh hạn chế di chuyển khiến nhiều thí sinh hoang mang khi phải đi một quãng đường xa tới các điểm thi mà không có hướng dẫn cụ thể của chính quyền thành phố.
"Phong tỏa bắt đầu trước kỳ thi chỉ một tuần, nhiều thí sinh giống như tôi hoàn toàn không nắm được thông tin về cách thức tổ chức kỳ thi", một sinh viên họ Yang chia sẻ.
"Hai năm chiến đấu với COVID-19 vẫn chưa giúp các trường đại học tìm ra cách ứng phó với virus hiệu quả hơn", một vị giáo viên giấu tên cho hay.
"Có nên về quê ăn tết hay không?"
Xuân vận là từ dùng để chỉ hành trình về quê ăn Tết truyền thống của người Trung Quốc, được mệnh danh là “cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại” với lưu lượng người di chuyển cực lớn.
Kỳ Xuân vận 2020, Trung Quốc đã ghi nhận tới hơn 1,48 tỷ lượt người di chuyển. Năm 2021, con số này giảm xuống 870 triệu lượt người do ảnh hưởng của COVID-19.
Mỗi kỳ Xuân vận ở Trung Quốc thường ghi nhận hàng trăm triệu đến hơn tỷ lượt người di chuyển. Ảnh minh họa
Năm nay, Trung Quốc lại đối mặt với làn sóng bùng phát dịch trước thềm Xuân vận và câu hỏi "Có nên về quê ăn tết hay không?" lại một lần nữa khiến người dân nước này phải vò đầu bứt tai.
Zhao, nhân viên một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, hiểu rất rõ rằng anh phải tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của công ty về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cũng như những gì chính phủ đã quy định.
Chia sẻ với SCMP, Zhao cho biết nếu muốn về quê ăn Tết, anh cần được cấp trên đồng ý và sẵn sàng chấp nhận nhận thưởng cuối năm thấp hơn bình thường.
"Công ty chưa công bố chính sách cụ thể, song chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn so với năm ngoái. Về nhà năm nay không phải một ý kiến hay", Zhao cho hay.
Cuối cùng, Zhao quyết định sẽ ở lại thủ đô để được hưởng đầy đủ quyền lợi lao động, cũng là để tránh rủi ro có thể gặp phải.
"Tôi và gia đình đều lo lắng rằng nếu tôi bị mắc kẹt hay cách ly ở Tân Cương hoặc Bắc Kinh, tôi sẽ không thể trở lại làm việc. Nếu tôi bị cách ly ở Tân Cương, điều này sẽ rất bất tiện cho gia đình tôi. Dù rất nhớ nhau nhưng chúng tôi phải chấp nhận điều đó", Zhao nói và cho biết, đây đã là năm thứ hai liên tiếp anh không thể về ăn Tết bên gia đình ở vùng Tân Cương xa xôi phía Tây Bắc Trung Quốc.
Tuần trước, 14 bộ của Trung Quốc, trong đó có bộ Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng bộ Giao thông Vận tải, đã ra một thông báo chung kêu gọi người dân "nâng cao cảnh giác" trong kỳ nghỉ Tết.
Một yếu tố gây áp lực khác với người dân Trung Quốc là Thế vận hội mùa Đông 2022, khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng 2 tới, sẽ mang đến một loạt biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ khác.
Ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, nơi tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát, nhiều người đang nghe ngóng tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về phương án nghỉ Tết.
Yang Min, nữ luật sư 35 tuổi ở thành phố Phật Sơn, có thể không trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc trong kỳ nghỉ Tết năm nay.
"Công ty cho phép chúng tôi về quê vào dịp Tết nhưng tôi rất lo về những biện pháp cách ly và hạn chế ở các tỉnh như Hà Nam hay Hà Bắc, nơi cha mẹ tôi sinh sống", Yang cho hay.
"Chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế đi lại trong năm nay vì Olympic mùa Đông sắp diễn ra và đi hay ở vẫn là một quyết định khó khăn. Tôi đã không về nhà hai năm rồi. Tôi chưa dám nói quyết định của mình với cha mẹ. Dù họ có thông cảm nhưng chắc chắn vẫn rất buồn và thất vọng", Yang chia sẻ.
Zhao Wei, Giáo sư chuyên ngành y tế cộng đồng tại Đại học Y khoa Nam Phương ở Quảng Châu, nhận định việc người dân di chuyển trong kỳ nghỉ Tết sẽ gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của chính phủ.
“Áp lực năm nay sẽ lớn hơn hai năm trước. Sau một thời gian dài cách ly hay phải chịu các biện pháp kiểm soát chống COVID-19, mọi người rất háo hức đi du lịch và nghỉ ngơi. Điều này có thể khiến các ổ dịch bùng phát trở lại”, Giáo sư Zhao cảnh báo.
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn lại cho rằng, ở những khu vực không bị phong tỏa và kiểm soát, tức là những khu vực có nguy cơ thấp, người dân có thể về quê đón năm mới.
"Với việc phòng ngừa và kiểm soát tốt, người dân có điều kiện có thể về quê đón Tết và không cần phải đóng cửa hoàn toàn", ông Chung Nam Sơn trả lời đài CCTV về vấn đề "có nên về quê ăn Tết hay không?"./.
Nguồn: Hoa Vũ (T/h)/doisongphapluat.com