Người Trung Quốc tìm cách cai nghiện điện thoại

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Người Trung Quốc tìm cách cai nghiện điện thoại

Nhiều người Trung Quốc gọi nghiện smartphone là một căn bệnh và đang tìm cách tránh xa điện thoại di động.

Trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc, một nhóm có tên "Tránh xa màn hình" đã thu hút hơn 30.000 thành viên. Nhóm này được thành lập từ 2020, dành riêng cho những người đang cố gắng cai nghiện smartphone. Ngày 8/3, một người có tên Bot9 đã chia sẻ ảnh chụp màn hình thời gian sử dụng điện thoại kèm bài viết: "Tuần trước tôi dành 11 tiếng mỗi ngày trên điện thoại. Đó là một căn bệnh. Từ mai tôi sẽ giảm thời gian dùng điện thoại di động của mình", người này viết.

Nhưng chỉ sau hai ngày, Bot9 cho biết thời gian dùng điện thoại của anh ta đã tăng lên khoảng 12 giờ mỗi ngày. Do ngày càng nhiều người lo lắng về việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giúp người dùng cai nghiện điện thoại cũng đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.

Liu Yang, 36 tuổi, chủ sở hữu Shiguang Box - công ty chuyên bán "hộp cách ly điện thoại", cho biết: "Thị trường có triển vọng phát triển lớn vì ngày càng nhiều ứng dụng khiến mọi người khó bỏ điện thoại xuống khi họ cầm lên. Mọi người ý thức được điều đó và tìm nhiều cách để giảm thời gian sử dụng thiết bị".

Chiếc hộp cách ly không quá phức tạp. Đầu tiên người dùng chỉ cần mở hộp, đặt điện thoại vào trong rồi đóng nắp và hẹn giờ khóa. Sau thời gian được cài, hộp đựng mới mở để người dùng lấy điện thoại ra. Yang cho biết mỗi ngày anh nhận được khoảng 800 đơn đặt hàng, trung bình mỗi tháng bán được hơn 2.000 hộp các loại trên trang thương mại điện tử Taobao.

Liu Yang nói hầu hết khách hàng của anh là học sinh, sinh viên chuẩn bị thi đại học, cao học. Một số khác ở độ tuổi 30-40, thi thoảng vẫn có những khách hàng lớn tuổi tìm mua.

"Một khách hàng đã cảm ơn tôi sau khi dùng 'hộp cách ly điện thoại'. Cô ấy nói mình có thể ngủ sâu và ngon hơn khi sử dụng hộp", Yang nói. Một số người còn đặt riêng những chiếc hộp kèm dòng chữ tự động viên mình được in trên đó.

Chiếc hộp cách ly điện thoại cho phép người dùng hẹn giờ đóng mở để lấy smartphone ra dùng. Ảnh: Taobao

Ngoài ra, người dùng còn tìm đến những mẫu điện thoại cổ, miễn là không phải smartphone và càng ít tính năng càng tốt. Một số người chọn những chiếc BlackBerry cũ trong khi số khác quay về "điện thoại cục gạch". Điều này vô tình khiến thị trường điện thoại cũ, giá rẻ sôi động trở lại.

Bi Andi, 29 tuổi và chuẩn bị thi cao học, đã mua một chiếc BlackBerry 9000, được sản xuất năm 2008 với giá chưa đến 400 nhân dân tệ (1,4 triệu đồng) để thay cho chiếc iPhone đang dùng. "Tôi chi 800 nhân dân tệ (2,8 triệu đồng) - khoảng 3/4 chi phí sinh hoạt hàng tháng để thuê một chỗ tại phòng tự học. Tôi không muốn lãng phí một phút nào cho điện thoại", Andi nói.

Tuy nhiên Andi cũng thừa nhận smartphone giờ đây đã quá phổ biến nên hầu hết người dùng không thể chối từ nó hoàn toàn: "Cách chuyển sang dùng điện thoại đời cổ nhanh chóng không khả thi. Tôi cần smartphone cho công việc và cuộc sống hàng ngày như đặt hàng, giao đồ ăn và mạng xã hội. Không chỉ tôi, nhiều sinh viên khác cũng đang vật lộn và tìm cách cai nghiện điện thoại di động".

SCMP dẫn lời các chuyên gia rằng nghiện điện thoại không chỉ tác động đến học sinh sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc ly hôn ở Trung Quốc. Cao Hongling, một hòa giải viên cấp cao ở Vũ Hán, cho biết có đến 30% các cuộc ly hôn xuất phát từ việc nửa kia cả ngày cắm đầu vào điện thoại.

"Chơi điện thoại quá lâu khiến mọi người mất đi nhiều thời gian quý giá vốn có thể dùng để giao tiếp, tương tác với mọi người hoặc làm những nhiệm vụ gia đình như chăm sóc, trò chuyện cùng con nhỏ. Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh xung đột", Kang Lanying, một nhà hòa giải xung đột hôn nhân ở tỉnh Hồ Bắc cho biết./.

Nguồn: Khương Nha (theo SCMP)/vnexpress.net