Người nộp thuế thu nhập cá nhân chờ tin vui giảm trừ gia cảnh

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Người nộp thuế thu nhập cá nhân chờ tin vui giảm trừ gia cảnh

Đại diện Bộ Tài chính dự kiến Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) luật cũ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay. Trong đó có bổ sung các khoản thu nhập được miễn thuế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh...

Tại nghị quyết số 191/NQ ngày 26-6, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền. 

Đây là yêu cầu rất mới xuất phát từ thực tế là thời gian qua nhiều người nộp thuế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá lạc hậu, không theo kịp thực tế đời sống.

Người dân đến làm thủ tục tại cơ quan thuế TP.HCM chiều 2-7 - Ảnh: T.T.D.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh để phù hơp với tình hình thực tiễn, thu gọn các bậc thuế của biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo phù hợp với thay đổi về mức sống.

Ông Trương Bá Tuấn

Dự kiến tháng 10 nâng mức giảm trừ gia cảnh

Về tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế, trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 2-7, ông Trương Bá Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế) để trình Quốc hội dự thảo luật này vào kỳ họp diễn ra tháng 10 năm nay. 

Trước đó, tại hồ sơ xây dựng đề nghị về dự thảo luật này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế TNCN hiện hành với 6 nhóm chính sách, trong đó có những chính sách sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.

Cụ thể, sẽ hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế; bổ sung các khoản thu nhập được miễn thuế để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực ưu tiên như thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh, chứng chỉ phát thải. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh để phù hơp với tình hình thực tiễn. Mặt khác, thu gọn các bậc thuế của biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.

"Đặc biệt, Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo phù hợp với thay đổi về mức sống, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời, bổ sung về các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ đặc thù khác như chi phí y tế, giáo dục, khi xác định thu nhập tính thuế", ông Tuấn cho biết.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Tuấn thông tin thêm theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả.

"Qua theo dõi của Bộ Tài chính, biến động của CPI từ năm 2020 (thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành) đến cuối năm nay có thể đạt 20%. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. 

Tại nghị quyết số 1326 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình công tác năm 2025, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết này tại phiên họp diễn ra vào tháng 10 tới", ông Tuấn nói.

Mức giảm trừ gia cảnh theo vùng miền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên về thuế Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng nút thắt cổ chai, điểm bất cập lớn nhất của Luật Thuế TNCN là mức giảm trừ gia cảnh. 

Quy định nêu chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tương ứng. Trong khi đó, chi tiêu của người dân, người nộp thuế cá nhân chủ yếu là những nhóm mặt hàng thiết yếu như ăn ở, mặc, đi lại, học hành... Trong khi CPI tính giá của vài trăm mặt hàng, dịch vụ khác nhau.

Do đó, tại nghị quyết 191 của Chính phủ vừa được ban hành, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có xét đến đặc thù vùng miền, ông Tú đánh giá là rất phù hợp. 

Nếu mức giảm trừ gia cảnh theo vùng miền sẽ khắc phục những bất cập hiện tại. Bởi mức chi tiêu tại những đô thị lớn như ở Hà Nội, TP.HCM đắt đỏ hơn rất nhiều so với những địa bàn khác. Đơn cử là giá nhà, 1m2 chung cư ở hai nơi này lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi giá nhà ở các tỉnh lân cận mềm hơn rất nhiều.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng nên lấy cơ sở là lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính giảm trừ gia cảnh vì tự bản thân lương tối thiểu vùng đã phân biệt được vùng miền mà người lao động đang sinh sống.

Nên tính giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Nếu được thì mức giảm trừ gia cảnh cho người ở TP.HCM hay Hà Nội sẽ nâng lên gần 20 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cần nâng lên bằng 2 lần lương tối thiểu vùng cũng phần nào hợp lý và sát với mức sống của người lao động hiện nay.

Hơn nữa, lương tối thiểu vùng cũng có tính pháp lý vững chắc để ngành thuế căn cứ thực hiện. Về lo lắng sẽ phức tạp, khó thực hiện khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh khác nhau, ông Nghĩa cho rằng nên căn cứ theo nơi sinh sống thực tế của người lao động, chẳng hạn đưa ra mức 183 ngày để phân biệt cư trú và không cư trú như với người nước ngoài hiện nay. Việc này hoàn toàn không khó áp dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng mỗi năm đều tăng lương tối thiểu vùng, vậy sao không dựa vào mức này để quy định mức giảm trừ gia cảnh cho linh hoạt? 

Ông gợi ý quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 5 tháng lương tối thiểu vùng, để khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo. Còn nếu lại quy định mức giảm trừ gia cảnh theo con số cố định như hiện nay thì sẽ dễ bị rơi vào tình trạng chưa áp dụng đã lạc hậu và phải chờ đợi rất lâu mới có thể nâng lên.

Luật Thuế TNCN quy định khi chỉ số CPI theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng 20% mới đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Nhưng danh mục CPI hiện nay bao gồm đến 752 mặt hàng, mà người lao động chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu.

"Do vậy sẽ rất bất hợp lý nếu phải chờ đợi chỉ số CPI chung này để làm căn cứ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh. Nói cách khác, chỉ số CPI chung này không đại diện cho đời sống người lao động, lấy đó làm căn cứ để đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ rất thiệt thòi cho người làm công ăn lương", ông Xoa nói./.

Nguồn: Lê Thanh - Ánh Hồng/tuoitre.vn