



Do không có đơn hàng, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) vừa phải thông báo chấm dứt HĐLĐ với gần 1.200 NLĐ từ đầu tháng 12.2022. Nhiều NLĐ cho biết họ “chới với” khi bị mất việc cuối năm.
Đột nhiên mất việc
Chúng tôi đến khi chị Nguyễn Thị Thu (quê ở tỉnh Ninh Thuận), CN Công ty TNHH Tỷ Hùng, đang chuẩn bị bữa tối trong căn phòng trọ nhỏ với ngổn ngang vật dụng sinh hoạt ở đường số 2, Khu dân cư Hồ Bắc, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM. Chị Thu cho biết, gia đình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đang đi học. Chị Thu làm việc cho Công ty Tỷ Hùng đã 18 năm, nếu tăng ca đầy đủ thu nhập được hơn 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tiền phòng trọ 3 triệu đồng/tháng, tiền học cho 2 con nhỏ 3 triệu đồng, phải thêm cả tiền lương của chồng mới đắp đổi qua ngày. Từ khi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đến nay, công ty không tổ chức tăng ca, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng đến đời sống gia đình.
“Hai năm dịch COVID-19 khiến đời sống khó khăn, năm nay dịch bớt, mong làm cuối năm có tiền thưởng Tết về quê, ai ngờ công ty thông báo không có đơn hàng cho CN nghỉ từ đầu tháng 12. Chung tôi thật sự chới với”, chị Thu buồn bã nói.
Tương tự, chị Tôn Thị Sen (quê ở Bạc Liêu), hiện đang trọ tại đường Bờ Xe Lam, ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cho biết chị làm cho Công ty Tỷ Hùng 10 năm, tiền lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị Sen làm bốc vác nhưng công việc không đều. Vì phải nuôi hai con nhỏ nên gia đình rất bức bách. “Khi nhận thông báo nghỉ việc, tôi hoang mang nhưng đành phải chấp nhận. Trước mắt, phải tính toán gói ghém cho trọn vẹn cái Tết này trước rồi sẽ đi xin việc sau. Giờ gần Tết xin việc khó, ít nơi nào nhận CN”, chị Sen chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu cho biết thực sự chới với khi bị mất việc dịp cuối năm. Ảnh: Phương Ngân
Trả trợ cấp mất việc 2 tháng lương cho công nhân
Theo thông báo của Công ty Tỷ Hùng gửi cho NLĐ, do ảnh hưởng tình hình kinh tế, doanh nghiệp không có đơn hàng. Mặc dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng công ty gặp nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra, nên buộc phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt HĐLĐ với khoảng 1.185 người lao động từ ngày 1.12.2022.
Ngoài trả trợ cấp thôi việc cho những lao động vào làm việc tại công ty từ năm 2008 trở về trước, công ty còn trả trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 của Bộ luật Lao động 2019 là 2 tháng tiền lương cho toàn bộ lao động bị cắt giảm và chi tiền thưởng năm 2022, mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức tiền thưởng sẽ được tính tỉ lệ theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của người lao động.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, NSDLĐ phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động mất việc làm.
“Theo quy định trên, nếu NSDLĐ đã tham gia BHTN đầy đủ cho toàn bộ thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho doanh nghiệp, thì sẽ không phải trả trợ cấp mất việc. Do đó, việc Công ty Tỷ Hùng trả trợ cấp mất việc cho toàn bộ lao động bị cắt giảm mỗi người 2 tháng tiền lương là thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, NLĐ có quyền đi đăng ký thất nghiệp để nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định”, ông Triều nói./.
Nguồn: Nam Dương-Phương Ngân/laodong.vn