Bị hại Đào Văn Chiến kể ông chở hơn 7 tỷ đồng đến Công ty Alibaba, được Nguyễn Thái Luyện đón từ cửa. Song, khi nhà chưa kịp cất, Nguyễn Thái Luyện bị bắt, gia đình ông mất trắng.
Sáng 16/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Tòa triệu tập hàng nghìn bị hại liên quan đến các dự án của Alibaba. Song, nhiều người chưa có tên trong danh sách bị hại cũng có mặt để cung cấp hồ sơ, tài liệu và trình bày quan điểm giải quyết vụ án.
Chở hơn 7 tỷ đồng đến Công ty Alibaba
Có mặt tại tòa liên tiếp trong một tuần qua, ông Đào Văn Chiến (58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết các anh em trong gia đình ông đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng để mua 9 lô đất của Alibaba.
Các bị hại trình giấy triệu tập tham gia phiên tòa. Ảnh: Y Kiện.
Trình bày trước HĐXX, ông Chiến xin được nhận đất thay vì tiền bồi thường. Người đàn ông mong tòa xem xét các dự án của Alibaba, nếu dự án nào có thể đầu tư hình thành khu dân cư đúng pháp luật, thì gia đình ông xin được đóng thêm tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ mong được nhận đất để xây nhà như tâm nguyện của cả gia đình.
Ông Chiến kể sau khi cha mất, ông cùng vợ chồng 4 người em, 6 đứa cháu sống chung với nhau. Thấy cảnh nhà chật, người đông, mẹ ông quyết định bán căn nhà, chia tiền cho các con ra ở riêng.
Năm 2018, để tìm đất cất nhà, ông tìm hiểu nhiều công ty, trong đó có Alibaba, nhưng vì không tin tưởng nên ông nhanh chóng từ chối lời mời mua dự án. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng của công ty vẫn nài nỉ xin số điện thoại của ông.
Ông cho biết, thời điểm đó, nhân viên Alibaba liên tục gọi điện, nhắn tin, thậm chí cử nhân viên đến nhà để đưa ông lên trụ sở công ty. Đến nơi, ông yêu cầu cam kết nếu công ty ra được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì ông mới mua vì ông muốn có đất xây nhà chứ không phải "đầu tư sinh lời". Hôm sau, nhân viên Alibaba tiếp tục đưa ông đến công ty, bày ra nhiều sổ đỏ, giấy tờ liên quan các dự án với lời cam kết "vài hôm nữa sẽ giao giấy tờ cho ông".
Tin tưởng, ông Chiến mạnh dạn xuống tiền. Người đàn ông kể đã chở hơn 7 tỷ đồng đến Alibaba, được Nguyễn Thái Luyện trực tiếp đón từ cửa công ty. Song, khi nhà chưa kịp cất, thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt, gia đình ông mất trắng.
"Khi mọi chuyện vỡ lở, gia đình ly tán, các anh em bỏ đi, ly hôn tan tác. Anh em cũng không trách tôi, chỉ trách số gia đình mình xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Giờ vợ chồng 2 đứa em tôi bỏ nhau, các cháu mỗi đứa một nơi", ông Chiến ngậm ngùi.
Cho nhân viên đứng tên cùng để hưởng chiết khấu
Tại tòa, bị hại Lê Thị Thanh H. (TP.HCM) cho biết đã đầu tư vào Công ty Alibaba 3 lô đất, trong đó có một lô đứng tên chung với nhân viên bán hàng của Alibaba "để được hưởng chiết khấu". Người phụ nữ này đến tòa yêu cầu được nhận lại đất và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo.
Một bị hại xếp hàng tham gia phiên tòa. Ảnh: Y Kiện.
Tham gia xét hỏi, đại diện VKSND TP.HCM hỏi lý do tại sao lại cho nhân viên bán hàng của Công ty Alibaba đứng tên chung để mua đất? Số tiền đã hưởng chiết khấu là bao nhiêu, lý do xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo? Việc bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo có phải các bị cáo đã mang lại lợi ích gì?
Trả lời công tố viên, bà H. nói không nhớ được hưởng đặc quyền gì khi cho nhân viên bán hàng của Alibaba đứng tên chung, trong khi trước đó trả lời HĐXX là để hưởng chiết khấu. Theo bà H., bà không nhớ số tiền đã nhận chiết khấu, việc xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là để các bị cáo sớm trở về với xã hội, có cơ hội khắc phục hậu quả.
Trước yêu cầu nhận đất của các bị hại, kiểm sát viên một lần nữa khẳng định những lô đất trong dự án mà bị hại đã mua của Công ty Alibaba là không có thật. Sau đó, bị hại này đã chuyển từ yêu cầu nhận đất sang được nhận tiền.
Cáo trạng xác định năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt./.
Nguồn: Dương Quỳnh Trang/zingnews.vn