Các ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản lỗ thế chấp 350 tỷ USD do cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này ngày càng trầm trọng.
Các ngân hàng của Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản lỗ thế chấp 350 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất khi niềm tin vào thị trường bất động sản của quốc gia này sụt giảm và các nhà chức trách phải nỗ lực kiểm soát khủng hoảng trong lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế này.
Một cuộc khủng hoảng liên quan tới các dự án bất động sản bị đình trệ tại Trung Quốc đã làm giảm sút niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà, gây ra một cuộc tẩy chay thế chấp trên hơn 90 thành phố và cảnh báo về những rủi ro hệ thống rộng lớn hơn, đặc biệt là những tác động lớn đến hệ thống ngân hàng trị giá 56.000 tỷ USD của nước này.
Trong trường hợp xấu nhất, S&P Global ước tính 2,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 356 tỷ USD), khoảng 6,4% các khoản thế chấp, đang gặp rủi ro. Trong khi Deutsche Bank cảnh báo rằng ít nhất 7% các khoản vay mua nhà đang gặp nguy hiểm.
Tại Trung Quốc, mức độ gắn kết của ngành ngân hàng đối với bất động sản cao hơn so với bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Một cuộc khủng hoảng liên quan tới các dự án bất động sản bị đình trệ tại Trung Quốc đã làm giảm sút niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có 39.000 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản thế chấp còn nợ và 13.000 tỷ Nhân dân tệ cho các nhà phát triển vay vào cuối tháng 3.
S&P Global dự báo doanh số bán nhà có thể giảm tới 33% trong năm nay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vay thế chấp đang lan rộng và dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn.
Đầu tư bất động sản, lĩnh vực thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, chiếm khoảng 20% GDP Trung Quốc, cũng đã giảm 9,4% trong tháng 6.
Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập khả dụng đang chậm lại, càng làm ảnh hưởng đến khả năng trang trải nợ nần của người mua nhà. Đến tháng 6, đà suy yếu của giá nhà đã lan rộng đến 48 trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc, tăng so với 20 thành phố trong tháng 1.
Theo ước tính của các nhà phân tích tại Citigroup, tăng trưởng đầu tư bất động sản chậm lại 10 điểm % sẽ khiến tổng nợ xấu tăng 28 điểm, đồng nghĩa lợi nhuận năm 2022 của các ngân hàng có thể giảm 17%.
Lợi nhuận của ngành ngân hàng đang bị đe dọa. Sau khi ghi nhận mức tăng lợi nhuận nhanh nhất trong gần một thập kỷ vào năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt với một năm 2022 đầy thách thức./.
Nguồn: vtv.vn