Mỹ rút ngắn thời gian cách ly xuống 5 ngày trong lúc dịch COVID-19 phức tạp trở lại

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Mỹ rút ngắn thời gian cách ly xuống 5 ngày trong lúc dịch COVID-19 phức tạp trở lại

CDC Mỹ đã quyết định rút ngắn thời gian khuyến cáo cách ly đối với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.

Hãng Reuters đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 27/12, đã rút ngắn thời gian khuyến cáo cách ly đối với người nhiễm COVID-19 nhưng "không có triệu chứng" xuống còn 5 ngày, so với hướng dẫn trước đó là 10 ngày.

CDC Mỹ cũng khuyến cáo rằng sau thời gian cách ly, mọi người nên đeo khẩu trang ít nhất 5 ngày để "giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác".

Bên cạnh đó, những người đã tiêm vaccine mũi tăng cường không cần phải cách ly sau khi phơi nhiễm nhưng "nên đeo khẩu trang trong 10 ngày".

Mỹ rút ngắn thời gian cách ly với người nhiễm COVID-19 không triệu chứng. Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày 24/12, CDC Mỹ đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực tại bệnh viên trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện tăng cao.

Trong hướng dẫn y tế cập nhật, CDC khuyến nghị nhân viên y tế nhiễm virus không có triệu chứng có thể trở lại làm việc sau 7 ngày cách ly với điều kiện có xét nghiệm âm tính.

Khuyến nghị cũng nêu rõ "thời gian cách ly có thể tiếp tục được thu hẹp nếu tình trạng thiếu nhân lực bệnh viện nghiêm trọng hơn".

Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh trở lại tại Mỹ trong khoảng thời gian cuối năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với các thống đốc bang và cố vấn y tế hàng đầu hôm 27/12, nói rằng nhiều bệnh viện ở một số khu vực "sắp bị vỡ trận" cả về nhân lực và trang thiết bị.

Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh biến thể Omicron sẽ "không gây ảnh hưởng nặng" như khi COVID-19 bùng phát hồi năm 2020 hoặc làn sóng do biến thể Delta gây ra hồi giữa năm nay.

"Omicron là nguồn gây lo ngại nhưng nó không nên trở thành nguồn gây hoảng loạn", ông chủ Nhà Trắng cho hay.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 53,5 triệu ca nhiễm, trong đó gàn 839.000 người đã tử vong.

Nguồn: Hoa Vũ (T/h)/doisongphapluat.com