Lương tối thiểu có "đuối sức" trước giá cả sinh hoạt ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lương tối thiểu có "đuối sức" trước giá cả sinh hoạt ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM?

Theo các chuyên gia, mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện chưa đến 5 triệu đồng, trong khi thực tế chi phí sinh hoạt tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM đã cao hơn rất nhiều.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Sau khi kết thúc phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026.

Theo báo Chính phủ, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết dựa trên kết quả khảo sát và những chỉ đạo của trung ương, báo cáo tình hình kinh tế- xã hội thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng. 

Một phương án là tăng 8,3% và phương án thứ 2 là tăng 9,2% thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết việc tăng lương tối thiểu sẽ tiếp tục được thương lượng.

Về nguyên tắc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề xuất theo hướng hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức.

Cùng với 2 mức đề xuất tăng lương tối thiểu, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đưa mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%.

"Mức này là vừa phải, nhằm tăng cường dư địa để doanh nghiệp có khả năng thích ứng, có điều kiện khen thưởng người lao động mẫn cán, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo," ông Hoàng Quang Phòng cho hay.

Ông Phòng nhấn mạnh, việc quyết định mức tăng cụ thể cần tiếp tục thương lượng trong hội đồng và hiện chưa có văn bản chính thức.

Đại diện người sử dụng lao động cũng đề xuất thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu từ 1/1/2026.

Phương án Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra tại phiên họp là mức tăng lương tối thiểu từ 6,5% đến 7%

"Cuộc rượt đuổi chưa cân sức"

Theo báo Vietnamnet, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 9,2% từ đầu năm 2026 được xem là mức tăng tương đối cao nếu so với mức điều chỉnh 6% hồi năm 2024. Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu so sánh với thực tế tăng giá sinh hoạt, chi phí nuôi con, thuê nhà, y tế... thì mức tăng này vẫn chỉ là "cuộc rượt đuổi chưa cân sức".

“Thực tế nhiều năm qua, lương tối thiểu chỉ nhích khoảng 5 - 7% mỗi năm, trong khi giá cả tăng bình quân tới 10% - 12%. Lương tăng chưa kịp thì thị trường đã tăng giá đón đầu, từ điện, nước đến bữa ăn của công nhân”, ông Tùng nói. 

Ông Tùng cho rằng, không thể tiếp tục gọi là “tăng lương” khi bản chất chỉ là điều chỉnh danh nghĩa, không đủ bù trượt giá.

Ông Tùng chỉ rõ một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm: Mức lương tối thiểu vùng, dù được điều chỉnh thường xuyên, vẫn chưa tiệm cận được mức sống tối thiểu như quy định của pháp luật.

“Mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện chưa đến 5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM đã cao hơn rất nhiều. Hai vợ chồng công nhân cộng lại thu nhập 14–15 triệu đồng/tháng vẫn sống rất chật vật", ông dẫn chứng.

Hoàng Yên (t/h)/doisongphapluat.com