Lợi gì khi đường thôn, xóm vào mạng lưới đường bộ quốc gia?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lợi gì khi đường thôn, xóm vào mạng lưới đường bộ quốc gia?

Việc luật hóa, bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ sẽ tạo bước đột phá trong phát triển giao thông nông thôn.

 

“Ngoài bổ sung chính sách để phát triển đường thôn xóm, đối với kết cấu hạ tầng, dự thảo Luật GTĐB còn bổ sung các chính sách mới quan trọng như giao Chính phủ quy định thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí, thủ tục điều chỉnh đường địa phương thành quốc lộ; đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các quy định về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; các quy định đặc thù trong đầu tư xây dựng đường bộ; phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý đường bộ; các quy định quản lý đầu tư đường cao tốc...

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ VN

Thiếu tiền, lực bất tòng tâm

Nằm cách trung tâm huyện gần 20km, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa khá khiêm tốn với khoảng trên dưới 10%.

Toàn xã chỉ có 3/56km đường được cứng hóa bằng bê tông. Số còn lại là đường đất bám theo các sườn đồi và đường đất kết nối giữa các khu dân cư, hễ mưa xuống là mặt đường lầy thụt, nhão nhoét.

Anh Nguyễn Xuân Thới, cán bộ xã Liên Hoa cho hay, những lúc mưa kéo dài khiến mạng lưới giao thông trong xã gần như tê liệt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ hàng hóa, cung ứng vật tư, vật liệu cho nhân dân.

“Là xã có diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, địa hình phức tạp xen kẽ nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, suất đầu tư cho giao thông lớn, trong khi nguồn nội lực có hạn. Kinh phí hỗ trợ làm đường bê tông hàng năm nhỏ giọt, năm có, năm không. Chất lượng đường giao thông kém, bà con kêu ghê lắm, xã biết vậy nhưng lấy đâu ra kinh phí, chỉ biết kiến nghị lên trên”, anh Thới nói.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, nguồn lực dành cho duy tu, bảo trì hệ thống đường xã, thôn, xóm hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Như tại tỉnh Bắc Kạn trong 3 năm gần đây, số km đường huyện được bảo trì là 218km, đạt 41%. Đường xã được bảo trì 68km, chỉ đạt 6,7% trên tổng số km đường hiện có.

Bất cập nhất hiện nay trong đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn chính là nguồn kinh phí. Công tác quản lý bảo trì chủ yếu được thực hiện trên các tuyến đường tỉnh.

Kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ theo yêu cầu do UBND các huyện, xã bố trí ít nhất 10% kinh phí trong nguồn sự nghiệp kinh tế của ngân sách huyện, xã để thực hiện nhưng luôn trong tình trạng rất khó đạt được.

Hệ thống đường giao thông nông thôn trong cả nước đã cứng hóa được hơn 371.000 km trong tổng số 540.000 km. Ảnh minh họa: Tạ Hải

“Trắng” quy định về đường thôn xóm

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, hệ thống đường giao thông nông thôn trong cả nước đã cứng hóa được hơn 371.000km trong tổng số 540.000km, bằng 69%.

Đường trong thôn, bản, xóm, ấp và đường nội đồng do nhân dân tự quyên góp đầu tư, có sự hỗ trợ của nhà hảo tâm và tự quản nên ảnh hưởng đến công tác quản lý khai thác, xây dựng kế hoạch thực hiện, làm giảm hiệu quả và sự an toàn trong khai thác.

Nguyên nhân được ông Điệp chỉ ra là do nhiều nội dung quy định cho giao thông nông thôn chưa rõ hoặc thiếu quy định. Luật GTĐB hiện nay mới chỉ quy định đến đường cấp xã và đường trong thôn xóm đang “trắng” quy định.

Đường thôn, xóm, bản ấp, đường nội đồng chưa được xác định trong luật dẫn đến ngân sách các cấp chỉ đầu tư đến đường xã trở lên. Hệ thống đường thôn xóm chưa được quy định trong Luật nên chưa có quy định rõ về phân bổ ngân sách thường xuyên, định kỳ cho công tác xây dựng phát triển, bảo trì đường.

Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chí chuẩn chất lượng hạ tầng giao thông nông thôn chưa có các quy định về đường thủy, tiêu chí cho đường bộ chưa ổn định.

Luật hóa để có nguồn lực phát triển

Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ. Đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương quản lý.

Việc bổ sung này nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

“Trong chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay thì đến tận đường thôn, xóm cũng cần phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Khi đường thôn, xóm được quy định trong luật sẽ giúp tạo ra cơ chế chính sách để cấp chính quyền địa phương có nguồn lực đầu tư.

Sau khi Luật được thông qua, hàng năm địa phương được bố trí kinh phí trong ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư, bảo trì. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy tắc giao thông sẽ được đầy đủ trên cả hệ thống này”, ông Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, việc phát triển đường thôn xóm hiện nay có một khó khăn là những địa phương có nguồn thu tốt thì mức hỗ trợ cao, trong khi ở những địa phương khó khăn nên mức hỗ trợ cũng hạn chế.

Việc luật hóa sẽ tạo hành lang pháp lý, là có cơ sở thực hiện công tác quản lý, đầu tư, bảo trì đường thôn xóm.

Tuy vậy, mục tiêu đưa ra đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 90%, các loại đường giao thông nông thôn từ đường xã trở xuống đạt trên 85%.

Để đạt được mục tiêu này cần nguồn kinh phí khoảng 290.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn lực.

“Bộ GTVT sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành đồng bộ các chính sách về thu hút nhà đầu tư và huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giao thông nông thôn, nhất là hệ thống đường thôn xóm.

Trong đó, ưu tiên nguồn vốn trong nước và kêu gọi nguồn vốn ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội. Đồng thời, sẽ phân cấp, trao quyền cho cấp huyện, nhất là cấp xã trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý vận hành khai thác và bảo trì đường giao thông nông thôn”, ông Điệp cho hay.

Cũng theo ông Điệp, hiện nay, mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện chứ cấp xã không có. Vì thế, khi đường thôn xóm được quy định trong luật cũng sẽ có cơ chế chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã.

Bộ phận này không cần thiết phải có thêm biên chế mà chỉ cần bố trí một người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc đầu tư, bảo dưỡng đường thôn xóm./.

Nguồn: Trần Duy/baogiaothong.vn