Lệnh bán cổ phiếu FLC, ROS giá sàn chất đầy nhưng không lối thoát

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lệnh bán cổ phiếu FLC, ROS giá sàn chất đầy nhưng không lối thoát

Nhóm cổ phiếu "họ" FLC tiếp tục lao dốc và mất thanh khoản sau khi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Sáng 30.3, ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa giao dịch, hàng trăm triệu lệnh đặt bán cổ phiếu FLC, ROS, HAI, AMD... sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC - bị bắt để điều tra về tội thao túng giá chứng khoán. Nhóm cổ phiếu liên quan FLC gồm KLF và ART cũng đều trong tình trạng tương tự. Ngoài việc chất lệnh ở giá sàn, các nhà đầu tư còn thẳng tay bán ra bằng lệnh ATO (lệnh thị trường bán ở đợt giao dịch mở cửa theo giá khớp lệnh của hệ thống và sẽ được ưu tiên khớp trước). Theo ước tính, cổ phiếu FLC đang có hơn 120 triệu đơn vị đặt bán giá sàn; ROS có hơn 100 triệu đơn vị bán giá sàn; AMD có gần 11 triệu cổ phiếu đua bán... Riêng GAB không có giao dịch nên vẫn đang duy trì giá tham chiếu là 196.400 đồng.

Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu FLC, ROS sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt - ĐÀO NGỌC THẠCH

Chỉ với 3 phiên giảm sàn liên tục từ đầu tuần đến nay, các nhà đầu tư đã bị lỗ gần 21% và dự kiến con số này sẽ chưa dừng lại. Chỉ tính riêng hơn 8,3 triệu cổ phiếu FLC được mua trong hai phiên đầu tuần này đến nay chưa về tài khoản thì các nhà đầu tư đã bị lỗ gần 14 tỉ đồng. Còn đối với ROS, hơn 12 triệu cổ phiếu được sang tay trong hai phiên vừa qua thì đến nay nhà đầu tư cũng bị lỗ gần 10 tỉ đồng. Tương tự, những người đã mạnh tay gom hơn 25 triệu cổ phiếu HAI trong hai phiên vừa qua thì nay tài khoản đã bốc hơi tổng cộng gần 23 tỉ đồng...

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ ngày 1.12.2021 đến ngày 10.1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Mục đích đẩy giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên giá cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%). Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin. Số tiền ông Quyết thu về là 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Ngày 10.1.2022, khi sàn giao dịch HOSE phát hiện hành vi trên đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan này đã hủy lệnh bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, hoàn trả lại cho những nhà đầu tư đã mua số CP này. Sau khi hành vi này xảy ra, cổ phiếu FLC đã nằm sàn và giảm liên tục xuống giá thấp nhất là 10.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 27.1, bốc hơi gần 57% so với đỉnh cao ngay trước khi ông Quyết bán chui cổ phiếu.

Phiên 30.3, sau đợt giao dịch mở cửa, cả hai chỉ số chứng khoán chính đều sụt giảm. VN-Index giảm gần 7 điểm xuống 1.491 điểm và HNX-Index giảm hơn 3 điểm xuống 458 điểm./.

Nguồn: Mai Phương/thanhnien.vn