Ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ thập kỷ qua ghi nhận tăng trưởng kỷ lục 15,5%, trong thời gian từ năm 2021 - 2022, đạt giá trị 200 tỷ USD.
Trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19 và đời sống dần quay lại như trước đây, nhiều nhân viên làm việc trong ngành công nghệ lại không muốn quay trở lại mô hình làm việc tại văn phòng.
Cơ quan chuyên dịch vụ tuyển dụng nhân sự CIEL HR đã tiến hành khảo sát đối với 40 công ty công nghệ thông tin, bao gồm 900.000 nhân viên, với kết quả cho thấy khoảng 10% nhân viên mới trong lĩnh vực này đều làm việc theo hình thức từ xa (work from home) hoàn toàn.
Theo khảo sát của CIEL HR, sau đại dịch COVID-19, đa số nhân viên đều đã quen với hình thức làm việc tại nhà và cảm thấy việc di chuyển đến công sở tốn nhiều thời gian, thậm chí gây căng thẳng khi họ phải tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Một số ý kiến khác cho rằng đại dịch xảy ra khiến họ hiểu hơn về giá trị của thời gian, trong đó làm việc tại nhà có thể tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình nhiều hơn.
Trong khi đó, nhiều người trong các cuộc thảo luận trên trang web về việc làm như Linkedin, Naruki... cho biết họ đã chuyển về sinh sống tại các vùng quê hoặc khu vực hẻo lánh hơn, đồng thời ứng tuyển vào các vị trí làm việc từ xa. Trước hiện thực đó, giám đốc nhân sự tại một công ty công nghệ lớn đưa ra nhận định rằng làm việc tại gia giờ đây không chỉ là một đặc quyền, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới trong tuyển dụng.
Tuy nhiên, những công ty muốn tăng tỷ lệ nhân viên làm việc tại văn phòng cũng không thể đưa ra những quy định quá khắt khe, vì công nghệ thông tin là một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu lao động chuyên môn cao nên nguồn nhân lực cũng hạn chế hơn. Do đó, những yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp có thể dẫn đến nguy cơ mất nhân sự. Trong trường hợp này, nhân viên lại là phe chiếm ưu thế khi thương lượng về các điều khoản tuyển dụng.
Ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ thập kỷ qua ghi nhận tăng trưởng kỷ lục 15,5%, trong thời gian từ năm 2021 - 2022, đạt giá trị 200 tỷ USD. Hiện ngành công nghiệp này đang cần thúc đẩy việc tuyển dụng, do tỷ lệ hao mòn lao động trong ngành tăng cao hồi đầu năm, bất chấp việc các công ty đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa.
Bà Rituparna Chakraborty, người đồng sáng lập công ty nhân sự Teamlease có trụ sở tại thành phố Bangalore, cho biết trong các lĩnh vực, hầu hết các đơn từ chức là của nhân viên trong các dịch vụ được săn đón nhiều như dữ liệu lớn, blockchain (chuỗi khối), điện toán đám mây, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo.
Theo bà Chakraborty, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao sau đại dịch, thì nguồn cung dường như không còn đủ để đáp ứng nhu cầu. Do đó, lĩnh vực này đang đưa ra những đề xuất việc làm với mức lương cao, đi kèm là những đặc quyền về làm việc từ xa nhằm giữ chân những lao động chuyên môn này.
Trước tình trạng đó, nhiều nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ đang đề xuất mô hình làm việc kết hợp hoặc tìm cách khích lệ nhân viên đến công sở nhiều hơn. Trong đó có những công ty đưa mô hình làm việc tại nhà vào lộ trình thực hiện mục tiêu bền vững, cho rằng mô hình này cũng giúp giảm lượng khí thải trong hoạt động của doanh nghiệp./.
Nguồn: vtv.vn