ACV cho rằng việc triển khai đường băng số 2 sân bay Long Thành ngay trong giai đoạn 1 là rất cần thiết để dự phòng, đảm bảo an toàn khai thác đồng bộ khi đưa vào khai thác.
Tiến độ đường băng số 1 vượt 3 tháng
Có mặt trên công trường dự án thành phần 3, sân bay Long Thành giai đoạn 1 những ngày giữa tháng 10, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tiến độ các gói thầu đều rất khả quan.
Nhà ga hành khách đã nên hình nên vóc, hoàn thành bê tông cốt thép, đang làm sàn tầng 4, lắp đặt kết cấu thép mái khu vực chính và các cánh hoa sen tiến độ vượt hàng chục ngày so với kế hoạch.
Gói thầu đường cất/hạ cánh đường lăn sân đỗ cơ bản hoàn thành phần nền móng, lớp bê tông xi măng M150. Riêng đường cất/hạ cánh tiến độ vượt 3 tháng, dự kiến về đích trước 30/4/2025. Đường kết nối T1, T2 sản lượng đạt trên 45%, cơ bản đảm bảo kế hoạch.
"Trên công trường hiện đang có trên 6.000 nhân sự, hàng nghìn máy móc thiết bị phục vụ thi công. Cùng đó, các nhà thầu cũng đã nhập vật liệu, thiết bị cần thiết cho các hạng mục nhà ga, đường cất/hạ cánh để đảm bảo triển khai đồng bộ, liên tục các hạng mục.
Những gói thầu còn lại cũng đang lần lượt tìm được nhà thầu, đã và sắp triển khai xây dựng để đồng bộ về đích đúng hạn", lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin.
Ngoài các lợi ích về kỹ thuật, tính liên tục trong khai thác, an toàn bay, việc có thêm đường băng thứ hai tại sân bay Long Thành còn mang lại nhiều lợi ích khác. Ảnh: Nguyễn Nhâm.
Vì sao cần sớm có đường băng thứ hai?
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ vào tháng 9 vừa qua, ACV đã kiến nghị xây dựng đường cất/hạ cánh thứ 2 ngay trong giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng thuận các đề xuất.
Mới đây, ngày 10/10, Bộ GTVT cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại tờ trình, Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất/hạ cánh vào giai đoạn 1 của dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất/ hạ cánh ở khu vực phía Bắc.
Trường hợp sân bay Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất/hạ cánh, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất/hạ cánh cấu hình mở ở phía Nam của cảng (đường cất/hạ cánh số 2) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất/hạ cánh (đường số 3 ở phía Bắc và số 4 ở phía Nam) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Quá trình triển khai giai đoạn 1, ACV - nhà khai thác cảng sau này nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất/hạ cánh số 3 bên cạnh để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác khi 1 đường cất/hạ cánh trục trặc.
Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất có thể phục vụ 50 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 830 lượt cất/hạ cánh/ngày đêm. Năm 2023, sản lượng khai thác của Tân Sơn Nhất là 41 triệu hành khách, sắp tiệm cận công suất quy hoạch. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không khu vực Đông Nam Bộ khoảng 71 triệu hành khách/năm, tương ứng 1.190 lượt cất/hạ cánh/ngày đêm.
Như vậy, trường hợp sân bay Long Thành phải tạm dừng khai thác khi có sự cố, Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng thêm khoảng 360 lượt cất/hạ cánh/ngày đêm để hỗ trợ.
Cũng tại giai đoạn 2, trường hợp 1 trong 3 đường cất/hạ cánh gặp sự cố thì với 2 đường cất/hạ cánh còn lại, sân bay Long Thành vẫn có thể phục vụ được 50 triệu hành khách/năm.
Việc bổ sung thêm đường cất/hạ cánh còn đảm bảo khai thác liên tục của cảng. Nếu sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 mới xây dựng đường cất/hạ cánh số 3, sẽ làm gián đoạn khai thác của cảng tại một số thời điểm. Cùng đó, việc khai thác cảng còn bị ảnh hưởng của bụi trong quá trình thi công xây dựng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất/hạ cánh số 3 khoảng 3.455 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ và vẫn nằm trong tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 do ACV thực hiện là 99.019 tỷ đồng (do sử dụng dự phòng và tiết kiệm sau đấu thầu).
Thuận lợi cả thi công và khai thác
Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc ACV, khi dự án đưa vào vận hành, nếu chỉ có một đường băng, trường hợp phát sinh sự cố hư hỏng máy bay hoặc bảo trì sửa chữa đường băng, xử lý sự cố thiên tai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khai thác. Vì vậy, có thêm đường băng thứ hai sẽ góp phần nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sân bay cũng như sự ổn định vận hành.
Toàn cảnh đường cất/hạ cánh số 1 sân bay Long Thành đang được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Nhâm.
"Ngay giai đoạn này, nếu triển khai thi công sẽ rất thuận lợi, tận dụng được nguồn nhân lực, trang thiết bị có sẵn tại công trường, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn là để sau này mới triển khai", ông Việt nói và cho biết, nếu để khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác mới xây dựng đường cất/hạ cánh thứ 2 sẽ lại gây bụi, tiếng ồn.
Lúc đó, sẽ phát sinh các công việc đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân thường xuyên ra vào khu bay, đấu nối hạ tầng. Điều này có thể làm gián đoạn việc khai thác trong một số thời điểm.
Cũng theo ông Việt, kinh nghiệm thực tế cho thấy các sân bay quốc tế đóng vai trò cửa ngõ, công suất 25 triệu khách/năm ở giai đoạn 1 đều có 2 đường băng song song kết nối với nhau.
Khu vực xây dựng đường băng thứ hai nằm trong phạm vi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810ha đã được giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1, vì vậy việc triển khai rất thuận lợi.
Đặc biệt, chi phí đầu tư đường băng thứ hai của sân bay Long Thành sẽ được cân đối trong tổng thể dự án thành phần 3 của giai đoạn 1 trên cơ sở tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục khác, chi phí dự phòng nên không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3.
Nhiều lợi ích
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương rất mong muốn triển khai đường cất/hạ cánh thứ 2 ngay trong giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn khai thác. Đồng thời, đây cũng là phương án dự phòng, đảm bảo việc khai thác cảng thuận lợi, phục vụ người dân, du khách.
"Đặc biệt, việc xây dựng trước đường băng số 2 có thể tránh phát sinh bụi trong quá trình khai thác cảng, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh và khách đi máy bay", ông Đức cho hay.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định: "Tôi hoàn toàn tán thành việc xây dựng ngay đường băng thứ hai bên cạnh, vì việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư".
Ông Hòa cho rằng, đường cất/hạ cánh thứ 2 giúp sân bay tránh quá tải, đồng thời thêm một phương án dự phòng, tránh nguy cơ phải đóng cửa toàn bộ nếu đường băng số 1 gặp sự cố.
"Việc sớm xây dựng đường băng thứ hai còn giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tàu bay trong tương lai. Nếu thi công xây dựng đường băng thứ 2 sau khi sân bay đi vào hoạt động sẽ gây hiện tượng phát tán bụi mịn, tiếng ồn, ảnh hưởng công tác vận hành", ông Hòa nói.
Dự án sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 vốn thực hiện là 5,45 tỷ USD, công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn 2 dự kiến triển khai từ năm 2028-2032, công suất 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sau năm 2035, công suất 100 triệu lượt khách/năm.
Trong đó, đường cất/hạ cánh thứ nhất sân bay Long Thành có chiều dài 4.000m, rộng 45m, hai lề vật liệu rộng 15m. Đây là hạng mục chính của gói thầu 4.6, đường cất/hạ cánh, đường lăn sân đỗ sân bay Long Thành. Hạng mục này được khởi công từ ngày 31/8/2023, đến nay sau hơn nửa năm thi công đang đạt và vượt tiến độ đề ra./.
Nguồn: Minh Tuệ/baogiaothong.vn