Tăng trưởng tín dụng chậm lại gần đây khiến lãi suất tiết kiệm đứng trước áp lực tăng. Điều này gây lo ngại lãi vay cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Lãi suất huy động cao nhất 7,6%
Một hiện tượng ít gặp trong những năm trở lại đây là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mặt bằng lãi suất (LS) và doanh số cho vay trên thị trường liên ngân hàng (NH) liên tục duy trì ở mức khá cao. Thông thường sau tết, nhu cầu tín dụng giảm kéo theo LS giảm. LS liên NH hiện dao động từ 2,2 - 3,7%/năm tùy theo kỳ hạn, giảm 0,4 - 0,5%/năm so với đầu tháng 3. Thế nhưng vốn giao dịch của các nhà băng đã không còn rẻ so với mức LS giao dịch gần 0% cách đây 1 năm. Đối với kỳ hạn qua đêm hiện có mức LS 2%/năm, tăng từ 1 - 8 lần, trong khi bình quân cả năm 2021 chỉ ở mức 0,74%/năm. Đó là chưa kể doanh số giao dịch liên tục được duy trì ở mức khá cao, chẳng hạn kỳ hạn qua đêm ở mức 150.000 - 200.000 tỉ đồng mỗi ngày, tăng từ 1 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường mở cũng trở nên sôi động hơn so với những năm trước khi NH Nhà nước liên tục bơm tiền thông qua việc mua lại các giấy tờ có giá kể từ sau tết đến nay.
Áp lực thanh khoản mùa cao điểm tết đã qua, cùng diễn biến tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ, thế nhưng mặt bằng LS tiết kiệm NH vẫn duy trì ở mức cao. So với đầu năm, lãi suất huy động của các NH hiện nay tăng từ 0,1 - 0,2%/năm. Mức cao nhất trên thị trường lên 7,6%/năm thuộc về SCB với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên nhà băng này đưa ra yêu cầu số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Cùng kỳ hạn 13 tháng nhưng hình thức gửi tiết kiệm online (không quy định điều kiện về số tiền gửi), SCB trả cho khách cũng đã ở mức 7,25%/năm. LS online ở mức cao nhất từ 18 tháng trở lên cũng ở 7,35%/năm. Một số nhà băng khác huy động tiền đồng với mức LS từ 7%/năm trở lên như ACB là 7,1%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 100 tỉ đồng trở lên; Techcombank áp dụng lãi suất 7,1%/năm đối với khách hàng gửi từ 999 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 12 tháng; MSB gửi từ 500 tỉ đồng kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 7%/năm... Trong khi đó, nhóm 4 NH thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) có LS huy động cao nhất cũng chỉ ở mức 5,5 - 5,6%/năm.
Theo Công ty chứng khoán SSI, LS huy động dành cho doanh nghiệp cũng đã nhích lên tại một số NH lớn với mức tăng 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chứng kiến tốc độ tích cực với mức tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (từ mức trung bình khoảng 10,8% trước dịch Covid-19). Môi trường LS thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng LS đã chạm đáy và tốc độ tăng LS trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát. Kỳ vọng huy động vốn dân cư sẽ được cải thiện khi mặt bằng LS huy động tăng nhẹ trong nửa cuối năm với mức tăng khoảng 0,2 - 0,25%. Riêng nhóm nghiên cứu tại BVSC (Công ty chứng khoán Bảo Việt) dự báo, mặt bằng LS năm 2022 khó giảm thêm, thậm chí còn tăng khoảng 0,25 - 0,5%.
Tốc độ huy động vốn từ khu vực dân cư của các ngân hàng đang chậm lại - NGỌC THẮNG
Áp lực lạm phát giữ lãi suất khó giảm
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết thị trường liên NH và thị trường mở khá sôi động cho thấy thanh khoản của các NH không còn dồi dào như trước. Với việc duy trì LS thị trường liên NH cao kéo dài trong thời gian tới sẽ tác động đến lãi suất huy động vốn ở khu vực dân cư. Trong khi đó, mặt bằng LS theo đánh giá của ông Huân hiện đã là đáy và khó giảm nữa, khi tình hình lạm phát có xu hướng gia tăng. Lạm phát ở một số nước như Mỹ đã lên mức cao nhất trong vòng 40 năm. Vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, khả năng NH trung ương châu Âu, NH Anh... cũng sẽ tăng LS trong thời gian tới nhằm đối phó tình hình lạm phát tăng cao. Mức tăng LS của các nước dự báo tăng khoảng 0,75%, nhưng VN khả năng sẽ không nhiều như vậy. VN hiện đang đối mặt với 2 vấn đề, đó là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Khi LS huy động theo chiều hướng nhích lên, lãi vay cũng sẽ biến động tăng lên. Thế nên, thị trường đang chờ đợi gói tín dụng mà nhà nước sắp triển khai trong thời gian tới, hỗ trợ 2% LS sẽ phần nào bù đắp cho phần lãi vay tăng.
Áp lực giảm LS cho vay thời điểm hiện nay không hợp lý bởi khả năng dòng vốn sẽ chảy vào bất động sản. Điều quan trọng là làm sao cho dòng vốn được hanh thông, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được vốn nhanh.
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng
Với LS cho vay của các NH từ 6 - 9%/năm, trong khi lãi suất huy động khoảng 3 - 7%/năm, biên lợi nhuận (NIM) của các nhà băng ở mức trung bình 3,3%, dao động từ 2,7 - 5,5% tùy NH.
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, các NH có thể giảm bớt lợi nhuận để kéo lãi vay xuống. “Qua 2 năm đại dịch Covid-19, các NH vẫn liên tục báo lời và một số NH còn giấu cả lãi, trong khi chi phí đi vay của khách hàng hiện nay còn cao. Đã đến lúc chúng ta xem xét lại nền kinh tế hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống NH cả việc huy động vốn và cho vay, dù rằng thị trường chứng khoán đã hoạt động hơn 20 năm. Để giảm chi phí cho khách hàng, nhà nước cần sớm cho hoạt động mô hình fintech, người có vốn cho vay mà không cần phải qua các trung gian khác để giảm bớt các chi phí”, ông Huân đề xuất.
Ngược lại, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng LS giảm nữa thì rất khó cho cả huy động và cho vay. LS có giảm được hay không phụ thuộc vào việc bơm tiền từ nhà nước, điều này rất dễ gây ra sức ép lạm phát đến từ cung tiền nếu không kiểm soát tốt. Áp lực giảm LS cho vay thời điểm hiện nay không hợp lý bởi khả năng dòng vốn sẽ chảy vào bất động sản. Điều quan trọng là làm sao cho dòng vốn được hanh thông, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được vốn nhanh.
Theo NH Nhà nước, LS sẽ điều hành ổn định dựa trên diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, NH Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng ổn định LS huy động, tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm LS cho vay, bảo đảm hài hòa quyền lợi của người gửi tiền và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng./.
Nguồn: Thanh Xuân/thanhnien.vn