Lãi suất huy động tăng từng ngày

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lãi suất huy động tăng từng ngày

Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng “nóng” khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi tăng theo từng ngày.

Sau 4 lần tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân từ đầu tháng 11, mới đây, Techcombank một lần nữa thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động từ ngày 22/11 với mức tăng 0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Cụ thể, trong biểu lãi suất huy động mới, Techcombank vẫn duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở mức trần 6%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, áp dụng với tất cả khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm trên cả kênh quầy và kênh online.

Liên tục cập nhật lãi suất

Tuy nhiên, từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, việc tăng thêm 0,3 điểm % đã đưa lãi suất tiền gửi tối đa ở các kỳ hạn này chạm mốc 9%/năm, áp dụng với nhóm khách hàng Private/VIP 1 gửi từ 3 tỷ đồng trở lên. Với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn, nhóm khách hàng VIP 1 tại Techcombank sẽ nhận được mức lãi suất dao động trong khoảng 8,6-8,8%/năm.

Các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động theo từng ngày, từng tuần. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Với các nhóm khách hàng khác, Techcombank đưa ra mức lãi suất 8,5% - 8,7% - 8,9%/năm tương ứng với giá trị tiền gửi dưới 1 tỷ đồng; 1-3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên, áp dụng cho nhóm khách hàng VIP 2/VIP 3.

Với khách hàng thường gửi tiền vào ngân hàng, biểu lãi suất huy động nhà băng này đưa ra cũng ở mức 8,4-8,6-8,8%/năm.

So với biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 15/11 trước đó, các mức lãi suất kể trên đều đã tăng 0,3 điểm %.

Đối với các khoản tiền gửi 12 tháng trở lên, Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất 8,9% - 9,1% - 9,3%/năm đối với các khách hàng VIP 1 theo giá trị tiền gửi tương ứng dưới 1 tỷ đồng; 1-3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên. Đây cũng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà nhà băng này áp dụng trong nhiều năm trở lại đây.

So với cuối tháng 10, các mức lãi suất này của Techcombank đã tăng tới 1,6 điểm %.

Với các nhóm khách hàng ưu tiên thấp hơn, nhà băng này hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất dao động quanh mức 8,8-9,2%/năm với nhóm VIP 2/VIP 3 và 8,7-9,1%/năm với nhóm khách hàng thường.

Với đợt điều chỉnh lãi suất kể trên, Techcombank đã có lần thứ 5 tăng lãi suất huy động trong tháng 11. Trong tháng 10 trước đó, nhà băng này cũng có tới 9 lần điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Đáng chú ý, một số lần điều chỉnh của Techcombank chỉ diễn ra trong vòng một ngày.

Không riêng Techcombank, VPBank mới đây cũng đưa ra biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ 22/11 với mức tăng 0,3-0,5 điểm % so với biểu lãi suất đưa ra ngày 14/11 trước đó.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi online nhà băng này hiện áp dụng ở mức 6%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 8,8-8,9%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 9,2-9,3%/năm với kỳ hạn 12-15 tháng và 9,3-9,4%/năm với kỳ hạn 18 tháng trở lên. Với kênh tiền gửi tại quầy, VPBank áp dụng mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm % so với kênh online.

Đáng chú ý, đây cũng là lần tăng lãi suất huy động thứ 3 liên tiếp của VPBank trong tháng 11, so với cuối tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng 0,7 điểm %. Nếu tính từ đầu tháng 10, biểu lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng xấp xỉ 2 điểm %.

Cũng tại biểu lãi suất huy động mới, VPBank còn tăng lãi suất của sản phẩm tiết kiệm Prime Savings với lãi suất phân kỳ tháng đầu và các tháng sau. Trong đó, mức lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra cho sản phẩm tiền gửi này là 11,1%/năm áp dụng trong tháng đầu tiên của các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng, từ các tháng sau, mức lãi suất được điều chỉnh ở mức 9,25%/năm. Với các kỳ hạn thấp hơn, lãi suất VPBank đưa ra dao động quanh mức 10,22-11,07%/năm trong tháng đầu và 8,52-9,22%/năm trong các tháng tiếp theo.

Ngân hàng trả lãi kỳ hạn 6 tháng trên 9%/năm

Sacombank mới đây cũng đưa ra biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 17/11 với mức tăng 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Trong đó, nhà băng này tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi online kịch trần cho phép 6%/năm với các kỳ hạn 1-5 tháng. Từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, nhà băng này đưa ra mức lãi suất 8,5-9,1%/năm. Với các khoản tiền gửi online 15 tháng trở lên, Sacombank chấp nhận trả mức lãi 9,2%/năm, cũng cao hơn 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

- Biểu lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng (tính cả kênh online và kênh quầy):

Tương tự, biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trên kênh online áp dụng tại Kienlongbank từ ngày 18/11 đã ghi nhận mức tăng ở hầu hết kỳ hạn 0,3-0,7 điểm %.

Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng tại nhà băng này đầu tháng 11 ở mức 8,8-8,9%/năm đến nay đã tăng lên 9,1-9,2%/năm. Lãi suất gửi 12 tháng hiện ở mức 9,5%/năm, tăng 0,6 điểm % so với đầu tháng; kỳ hạn 13-15 tháng tăng 0,7 điểm %, cố định ở mức 9,6%/năm.

Theo khảo sát của Zing, sau khi một loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động 6 tháng lên trên 8%/năm hồi cuối tháng 10, hiện nhiều nhà băng đã nâng mức lãi suất kỳ hạn này lên trên 9%/năm. Ngoài các ngân hàng kể trên, một loạt nhà băng khác đang chấp nhận chi trả mức lãi suất cao này là OCB (9%/năm); Baoviet Bank, Kienlongbank, PGBank (9,1%/năm); GPBank (9,3%/năm) hay SCB (9,35%/năm)…

Trong khi đó, nếu tính từ mốc 8%/năm trở lên, hiện toàn thị trường có hơn 22 ngân hàng đưa ra mức lãi suất này. Trong đó bao gồm nhiều ngân hàng quy mô lớn như ACB, LienVietPostBank, OCB, SCB, SHB, Sacombank, VIB...

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng hiện đã dao động quanh mức 8-9%/năm và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại các khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn và vay vốn của ngân hàng.

Tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, trong khi đó hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực khác không còn dư dả.

Các chuyên gia tại đây không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa để duy trì môi trường tỷ giá ổn định. Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng lên và lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh trong 3-6 tháng tiếp theo./.

Nguồn: Quang Thắng/zingnews.vn