Khi đề thi môn Ngữ văn được truyền cảm hứng từ phim ảnh, âm nhạc

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Khi đề thi môn Ngữ văn được truyền cảm hứng từ phim ảnh, âm nhạc

Lời thoại trong bộ phim nổi tiếng và ca từ của những ca khúc đình đám nhiều lần được đưa vào đề thi môn Ngữ văn.

Đề Ngữ văn bắt trend cùng âm nhạc, phim ảnh

Năm 2022, đề thi chọn học sinh giỏi Văn THCS cấp tỉnh ở Quảng Nam, ở câu 1 trong phần tự luận đã có phần trích dẫn lời thoại trong bộ phim “Reply 1988” như sau: “Trong bộ phim Reply 1988 sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”. Đề văn trích dẫn thêm câu chia sẻ ở bài viết “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé”. Từ đó, đề thi đặt ra yêu cầu với học sinh dự thi: “Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.

Ca khúc của Đen Vâu từng được đưa vào đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đề văn với trích dẫn lời thoại từ bộ phim truyền hình kinh điển của Hàn Quốc “Reply 1988” đã gây bão khắp mạng xã hội. Đông đảo ý kiến cho rằng, đề văn đã đưa ra góc nhìn mới và đầy nhân văn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Nhiều bậc phụ huynh khen đề văn hay, mới mẻ, giúp mỗi thí sinh dự thi đều có thể bày tỏ quan điểm, góc nhìn và cảm xúc riêng của mình, và rằng học sinh không còn bị bó buộc trong những đề văn khuôn mẫu, sáo rỗng.

“Reply 1988” luôn nằm trong top những bộ phim truyền hình được xem nhiều nhất của Hàn Quốc. Những ngày tháng thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 tại Việt Nam, “Reply 1988” liên tục đứng top 1 nhiều tuần liền trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến.

Lời thoại của người cha và nữ chính Duk Sun trong phim “Reply 1988” từng được đưa vào đề thi môn ngữ văn. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Lời thoại của người cha và nữ chính Duk Sun trong phim “Reply 1988” từng được đưa vào đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Việc đưa ca từ của những ca khúc đình đám vào đề Văn cũng từng “làm mưa làm gió” trên nhiều diễn đàn.

Năm 2021, đề thi thử tốt nghiệp khối THPT môn Ngữ văn của một trường tại TPHCM đã đưa lyric (lời) trong ca khúc “Đường về nhà” do Đen Vâu, JustaTee hợp tác vào phần Đọc hiểu. Theo đó, toàn bộ phần lời, “Đường về nhà là vào tim ta... Hạnh phúc, đi về nhà/Cô đơn, đi về nhà” được đưa vào đề thi Ngữ văn với yêu cầu thí sinh phân tích. Đề thi đã nhận được sự hưởng ứng từ thí sinh và phụ huynh, được chia sẻ rầm rộ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Gần nhất, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn ở tỉnh Hậu Giang diễn ra vào tháng 3.2023 đã đưa ca từ của bài hát “Bên trên tầng lầu” vào đề thi.

Cụ thể, đề thi trích dẫn 2 câu hát trong ca khúc: “Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/ Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt”, đồng thời đặt ra yêu cầu: “Hãy trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất được gợi ra từ những lời hát trên”.

Lời bài hát “Đường về nhà” của Đen Vâu và JustaTee được đưa vào đề thi ngữ văn khiến thí sinh dậy sóng. Đề văn được chia sẻ khắp mạng xã hội. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Lời bài hát “Đường về nhà” của Đen Vâu và JustaTee được đưa vào đề thi Ngữ văn khiến thí sinh dậy sóng. Đề văn được chia sẻ khắp mạng xã hội. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Tuy nhiên, đề thi này đã gây tranh cãi, khi “Bên trên tầng lầu” được cho là ca khúc thị trường, nặng tính giải trí, không đảm bảo tính giáo dục, tính thẩm mỹ để đưa vào đề thi Ngữ văn.

Nảy sinh tranh cãi

Trước khi “Bên trên tầng lầu” được đưa vào đề thi Ngữ văn, ca khúc “Đom đóm” của Jack, “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP... cũng từng được đưa vào các đề thi ngữ văn và gây tranh cãi.

Đặc biệt, phần ca từ của “Đom đóm” bị chỉ trích khi nhiều câu sáo rỗng, văn phong và cách dùng từ không phù hợp để đưa vào đề thi Ngữ văn học kỳ cho học sinh lớp 11.

Điều đó kéo theo nhiều tranh cãi trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, các thày cô dạy môn Văn học đang rất bắt trend. Thầy cô nắm được thị hiếu âm nhạc của học sinh - được coi là lực lượng khán giả đông đảo của nhạc trẻ hiện nay, họ chính là fan của Jack, Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu...  Cách giới trẻ nghe nhạc thể hiện thẩm mỹ, tư duy và cách thưởng thức nghệ thuật riêng của thế hệ mình.

Đề thi ngữ văn tiếp cận các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc nổi tiếng được hoan nghênh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần chọn những tác phẩm xứng đáng. Ca khúc “Đom đóm” của Jack từng bị phản ánh khi đưa vào đề thi ngữ văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đề thi Ngữ văn tiếp cận các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc nổi tiếng được hoan nghênh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần chọn những tác phẩm xứng đáng. Ca khúc “Đom đóm” của Jack từng bị phản ánh khi đưa vào đề thi Ngữ văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc đề Văn tiếp cận những ca khúc “hot trend”, là tiếp cận thị hiếu, tiếp cận cách nhìn nhận, cách thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ. Trước những đề văn “bắt trend”, thí sinh có thể phóng bút để viết về những điều gần gũi nhất với mình.

Tuy nhiên, ở phía bên kia chiều tranh luận, ý kiến của nhiều phụ huynh lại cho rằng, không nên đưa những ca khúc có ca từ dễ dãi, khó hiểu, thậm chí sáo rỗng vào đề thi cần tính nghiêm chỉnh, chuẩn mực, thẩm mỹ cao như Ngữ văn. Nếu muốn "bắt trend" với âm nhạc, phim ảnh, cũng cần có sự lựa chọn kỹ càng những tác phẩm xứng đáng./.

Nguồn: Bình An/laodong.vn