Một hố va chạm hình lưỡi liềm ở đông bắc Trung Quốc đang giữ kỷ lục là hố va chạm lớn nhất trên Trái đất hình thành trong 100.000 năm qua.
Trước năm 2020, hố va chạm đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc được tìm thấy ở Tụ Nham, tỉnh Liêu Ninh, theo một tuyên bố từ Đài quan sát Trái đất của NASA. Sau đó, vào tháng 7.2021, các nhà khoa học xác nhận đã phát hiện một hố va chạm mới ở gần dãy núi Tiểu Hưng An Lĩnh và đã công bố mô tả về hố trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science.
Hố va chạm Yilan khi nhìn từ trên không. Ảnh: NASA Earth Observatory/U.S. Geological Survey
Hố va chạm, được gọi là Yilan, rộng khoảng 1,85km và có khả năng đã hình thành cách đây khoảng 46.000 đến 53.000 năm - được xác định dựa trên niên đại carbon phóng xạ của than và trầm tích hồ hữu cơ từ địa điểm, NASA thông tin. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu trầm tích này bằng cách trích xuất một mũi khoan từ trung tâm của hố va chạm, Forbes đưa tin.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một phiến đá granit dày gần 320m ở độ sâu hơn 100m. Nó có thể "kể" cho chúng ta nghe về những "vết sẹo" do bị thiên thạch va phải. Các mảnh vỡ của đá có dấu hiệu đã tan chảy và kết tinh lại trong quá trình va chạm, khi đá granit nóng lên nhanh chóng và sau đó nguội đi. Tuy nhiên, một số mảnh vỡ khác của đá đã thoát được quá trình tan chảy này.
Họ cũng tìm thấy những mảnh thủy tinh hình giọt nước và những mảnh thủy tinh với các lỗ li ti do bong bóng khí tạo ra. Cả hai đặc điểm này cùng chỉ ra, có một tác động cường độ cao đã diễn ra ở đó.
Hố va chạm hình lưỡi liềm được cho là hố va chạm thiên thạch lớn nhất trên Trái đất trong 100.000 năm. Ảnh: China Science
Theo Thời báo Hoàn cầu, một phần vành phía nam của hố va chạm đã bị xói mòn, vì vậy, cấu trúc địa chất nhìn từ trên cao có hình lưỡi liềm. Những hố va chạm hình lưỡi liềm như vậy tương đối hiếm trên Trái đất, Chen Ming - một trong những tác giả của bài báo và là nhà nghiên cứu từ Viện Địa hóa Quảng Châu - nói với Thời báo Hoàn cầu.
Vào tháng 10.2021, vệ tinh Landsat-8 đã chụp được một bức ảnh ấn tượng về vành phía bắc của hố va chạm và các nhà khoa học hiện đang điều tra làm thế nào và khi nào vành phía nam sẽ biến mất./.
Nguồn: Nguyễn Hạnh/laodong.vn