Hiện vẫn còn khoảng hơn 2,2 triệu thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin và có nguy cơ bị khóa một chiều sau ngày 31.3.
Theo ghi nhận tại 1 số nhà mạng, trong mấy ngày gần đây số lượng khách hàng đến các cửa hàng để chuẩn hóa thông tin cá nhân đã đông hơn.
Người dân đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin cá nhân ở điểm giao dịch của VinaPhone. Ảnh: Hữu Chánh
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Vũ Hồng Nhung, Quản lý cửa hàng giao dịch VinaPhone số 57 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết: Dù nhà mạng đã liên tục phát đi thông báo, nhưng vẫn còn một số lượng khách hàng khá lớn chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của Chính phủ. Do đó, VinaPhone đề nghị những thuê bao nhận được tin nhắn hay cuộc gọi về việc chuẩn hóa thông tin cá nhân hãy hợp tác với cơ quan quản lý và các nhà mạng để đảm bảo quyền lợi của chính mình, thực hiện việc chuẩn hóa thông tin cá nhân trước ngày 31.3 theo quy định.
VinaPhone bổ sung thêm nhân sự, tăng giờ làm việc để phục vụ khách hàng. Ảnh: Hữu Chánh
Để tối ưu hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao, hiện các điểm giao dịch của VinaPhone cũng tăng cường nhân sự để hỗ trợ khách hàng qua các kênh. Đồng thời kéo dài thời gian phục vụ cũng tới 21h hàng ngày để tạo điều thuận lợi nhất cho khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Các thao tác để chuẩn hóa thông tin cá nhân. Ảnh: Hữu Chánh
Với Viettel, nhà mạng này cũng đã đồng loạt nhắn tin cho các thuê bao trong diện cần chuẩn hóa thông tin trong thời gian qua.
Các phương thức thực hiện chuẩn hóa cũng được các nhà mạng áp dụng đa dạng, tính đến các đối tượng cần hỗ trợ, gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục trực tuyến, người già...
Tương tự, nhà mạng MobiFone cũng nhắn tin và hướng dẫn các thuê bao trong diện phải chuẩn hóa thông tin có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức phục vụ trực tiếp nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa thông tin trực tuyến.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, tính đến ngày 27.3, đã có 1,63 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin để trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG), chiếm 42,4% tổng số thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần thực hiện cập nhật thông tin trong đợt này.
Như vậy, vẫn còn khoảng hơn 2,2 triệu thuê bao chưa thực hiện cập nhật.
Nhiều người dân đến cửa hàng Viettel để thực hiện chuẩn hóa thuê bao. Ảnh: Hữu Chánh
Đợt chuẩn hóa thông tin lần này bắt đầu từ ngày 14.3. Khi đó, các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone xác định có khoảng 4 triệu thuê bao chưa trùng khớp thông tin với CSDLQG.
Theo các nhà mạng, nguyên nhân có thể là sai thông tin khi đăng ký thuê bao, khác biệt giữa loại giấy tờ tùy thân dùng để đăng ký thuê bao và giấy tờ được ghi nhận trong CSDLQG, và một số khách hàng chưa có trong CSDLQG.
Theo yêu cầu của Cục Viễn thông, đến ngày 31.3, tất cả thuê bao di động đang hoạt động đều phải có thông tin hợp lệ và trùng khớp với CSDLQG. Các thuê bao không trùng khớp thông tin sẽ bị khóa liên lạc một chiều gọi đi sau thời hạn này.
Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà mạng, khi đến gần thời hạn khóa SIM, có thể có một lượng lớn người dùng chuẩn hóa thông tin. Do đó, việc quá tải cục bộ có thể xảy ra tại một số nơi, nhất là vào thời điểm gần ngày bị khóa thuê bao.
Nhân viên nhà mạng hỗ trợ làm thủ tục cho khách hàng. Ảnh: Hữu Chánh
Bên cạnh đó, một số chiêu thức lừa đảo "khóa thuê bao" có thể sẽ quay trở lại.
Theo đó, đối tượng xấu sẽ gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo như mời kích hoạt lại SIM, đăng ký lại thông tin, yêu cầu cấp mật khẩu, mã OTP, từ đó chiếm đoạt SIM, hoặc thông tin cá nhân của người dùng.
Để tránh nguy cơ bị lừa đảo từ các cuộc gọi/tin nhắn mạo danh, các nhà mạng khuyến cáo, khách hàng tuyệt đối không làm theo và cung cấp thông tin cá nhân cho các cuộc gọi/tin nhắn được gửi từ đầu số lạ.../.
Nguồn: Hữu Chánh/laodong.vn