Dự án khu trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt ngay trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có vốn đăng ký đầu tư 50 triệu USD, nhưng 15 năm qua vẫn loay hoay với chuyện thủ tục.
Theo Sở KH-ĐT Lâm Đồng, dự án (DA) khu trung tâm thương mại (TTTM) Ánh Sáng Đà Lạt của Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) ngày 4.2.2008.
Dự án khu trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt 15 năm vẫn đang “đóng băng”
Mục tiêu DA xây dựng khu TTTM, khách sạn, văn phòng và căn hộ cao cấp với mục đích cho thuê và bán. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 1,69 ha, công trình kiến trúc chủ yếu là khu văn phòng, khu căn hộ, khách sạn, TTTM, cảnh quan và vườn hoa.
Đồng thời được nâng cấp, cải tạo đường giao thông và công viên hiện có trước các công trình của DA, góp phần tăng giá trị của các công trình, tăng vẻ mỹ quan cho từng khu vực DA và TP.Đà Lạt… DA có tổng vốn đăng ký đầu tư 50 triệu USD, thời hạn hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy CNĐT.
Mặt tiền khu đất dự án giáp bùng binh đài phun nước đang làm bãi giữ xe - GIA BÌNH
DA này tọa lạc ở vị trí đắc địa ở TP.Đà Lạt khi nằm ngay khu trung tâm, bên cạnh công viên Ánh Sáng, trước chợ Đà Lạt và gần thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương. Lúc bấy giờ, nhiều người kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành thay thế khu vực có nhiều nhà xập xệ, nhếch nhác để làm đẹp cho khu vực trung tâm Đà Lạt.
Thế nhưng, đến nay đã 15 năm trôi qua, DA khu TTTM Ánh Sáng Đà Lạt vẫn đang “đóng băng” khi khu “đất vàng” này vẫn là bãi đậu xe và hàng trăm căn nhà lớn nhỏ vẫn hiện diện chứ chưa có công trình nào thuộc DA mọc lên, mặc dù DA đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 từ tháng 1.2010 và được cấp phép xây dựng (đợt 1) cho diện tích đất làm khối khách sạn vào tháng 11.2011.
Chậm do vướng đền bù, quy hoạch
Trong văn bản ngày 24.10.2022 gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt cho hay công tác xây dựng không triển khai được vì liên quan công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). DA đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng kinh phí thực hiện gần 104 tỉ đồng (phê duyệt ngày 11.11.2008), với tiến độ hoàn thành GPMB là tháng 7.2009.
Sau đó, UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất và giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng quản lý để tổ chức việc bồi thường, GPMB. Nhà đầu tư cũng ứng trước 2 triệu USD (quy đổi khoảng hơn 34,95 tỉ đồng thời điểm 2008 - 2009) để thực hiện bồi thường, GPMB.
Cũng theo chủ đầu tư, năm 2009 và 2011, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã bàn giao tổng diện tích hơn 1.886 m2 cho nhà đầu tư, là diện tích của bến xe cũ và 6 hộ gia đình đã GPMB xong. Đến ngày 20.11.2013, theo đề nghị của UBND TP.Đà Lạt, nhà đầu tư đã bàn giao lại toàn bộ khu đất bến xe cũ cho TP.Đà Lạt mượn sử dụng với điều kiện nhà đầu tư không phải trả tiền thuê đất. TP.Đà Lạt đồng ý và cam kết sẽ bàn giao lại đất cho nhà đầu tư khi triển khai DA. Nhà đầu tư cũng đã tham dự nhiều cuộc họp với UBND tỉnh về tiến độ GPMB toàn DA và tỉnh cũng có ít nhất 9 văn bản cam kết bàn giao muộn nhất là tháng 8.2011, tuy nhiên vẫn không bàn giao được.
“Sau hơn 8 năm kể từ ngày 6.2.2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 260 về việc thu hồi đất giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng quản lý để tổ chức việc bồi thường, GPMB để triển khai DA. Đến tháng 5.2017, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP.Đà Lạt tiếp tục thực hiện công tác GPMB DA, ưu tiên GPMB diện tích 5.000 m2 thuộc giai đoạn 1 của DA. Tuy nhiên, sau đó UBND TP.Đà Lạt không triển khai việc kiểm đếm và phê duyệt phương án đền bù cho 21 hộ dân nên việc GPMB tiếp tục bị ngừng đến nay”, văn bản của nhà đầu tư nêu.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt không có trụ sở giao dịch làm việc tại TP.Đà Lạt, chỉ sử dụng địa chỉ số 2 Quang Trung, P.9, TP.Đà Lạt làm nơi giao dịch (do ông Lê Nguyên Hoàng, cán bộ DA đại diện tại Đà Lạt cung cấp từ năm 2015). Từ tháng 5.2015 đến nay, công ty này không cử người đại diện làm việc với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng liên quan đến DA.
Cũng theo ông Trình, DA này trước đây do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện công tác bồi thường GPMB (liên quan 130 hộ), hỗ trợ và tái định cư (công tác bồi thường thực hiện theo từng giai đoạn). Đợt 2 liên quan 21 hộ, diện tích thu hồi hơn 1.942 m2 và 1 công trình tôn giáo. Ngày 23.5.2012, UBND TP.Đà Lạt ban hành Quyết định số 1308 phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất để triển khai DA với tổng chi phí hơn 11,4 tỉ đồng liên quan đến 10 hộ, số hộ còn lại chưa được thẩm định và phê duyệt do các hộ chưa thống nhất đơn giá bồi thường.
“Đến nay chính sách bồi thường, hỗ trợ đã thay đổi, giá đất, giá nhà ở, công trình vật kiến trúc đã biến động, nên từ năm 2018 TP.Đà Lạt đã kiến nghị UBND tỉnh cho hủy bỏ quyết định phê duyệt trước đây để kiểm đếm lại cho phù hợp với hiện nay. Ngoài ra, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Đà Lạt đã rà soát, dự kiến cần phải có 121 lô đất để bố trí tái định cư cho các hộ; khoảng 100 căn hộ chung cư để bố trí tái định cư cho những hộ có 3 thế hệ cùng sinh sống trên thửa đất ở, nhà ở bị thu hồi. Tuy nhiên, hiện quỹ đất dự kiến bố trí của TP.Đà Lạt chưa đủ”, ông Trình cho hay.
Quay lại việc xem xét thủ tục
Việc GPMB chưa xong, DA khu TTTM Ánh Sáng Đà Lạt còn vướng phải quy hoạch nên đã chậm càng thêm chậm. Ngày 12.5.2014, Thủ tướng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với nội dung khu vực DA thuộc “khu đô thị trung tâm lịch sử” có mật độ xây dựng tối đa 70% và cao tối đa 5 tầng. Phê duyệt này khác với phê duyệt của tỉnh trước đó nên DA cũng không thể triển khai. Theo nhà đầu tư, từ năm 2015 đến nay, nhà đầu tư và UBND tỉnh Lâm Đồng chưa thống nhất được điều chỉnh quy hoạch.
Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt cho rằng DA chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân mà không xuất phát từ nhà đầu tư, với quyết tâm thực hiện DA, nhà đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn thực hiện các thủ tục để tiếp tục triển khai DA. Đồng thời cho phép nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành, và kiến nghị tỉnh xem xét chỉ đạo GPMB, làm rõ chi tiết việc sử dụng số tiền nhà đầu tư đã ứng trước.
Theo Sở KH-ĐT Lâm Đồng, thời gian triển khai DA 3 năm kể từ ngày được cấp giấy CNĐT, nhưng đến ngày 21.1.2010 (sau 2 năm được cấp giấy CNĐT), nhà đầu tư mới được cho thuê khoảng 10,42% tổng diện tích đất của DA. Khu đất giao có diện tích nhỏ và công trình chính của DA là một khối nhà có chung tầng đế, không thể tách từng phần của DA để thi công trên phần diện tích đã được giao. DA chậm tiến độ là do công tác bồi thường, GPMB, bàn giao mặt bằng của cơ quan nhà nước thực hiện chậm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đang giao Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan và UBND TP.Đà Lạt xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư. Đồng thời rà soát, căn cứ các quy định liên quan để đánh giá, khẳng định rõ hiện nay việc triển khai DA khu TTTM Ánh Sáng Đà Lạt do Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt làm chủ đầu tư có còn phù hợp quy định hiện hành hay không. Nếu tiếp tục thực hiện sẽ triển khai thế nào; không phù hợp các điều kiện theo quy định thì xử lý các tồn tại ra sao, giải pháp cụ thể trong thời gian tới để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết../.
Nguồn: Gia Bình/thanhnien.vn