Hé dần phương án thu hồi vốn tuyến cao tốc Bắc – Nam

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hé dần phương án thu hồi vốn tuyến cao tốc Bắc – Nam

Sức ép phải sớm triển khai thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang tăng lên sau khi đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được thông xe hôm 4/2.

Bộn bề

Sự sốt ruột là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 1105/BGTVT - TC được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Bộ Tài chính vào ngày 28/1/2022 về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện nay, một số dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang khẩn trương thực hiện để đưa vào khai thác. Để triển khai kịp thời việc thu hồi vốn đã đầu tư của Nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét ý kiến của Bộ GTVT về phương án thu hồi vốn đã được bộ này gửi xin ý kiến vào đầu tháng 3/12/2021 để sớm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

“Nếu không sớm chốt được phương án thu hồi vốn, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng 100% vốn đầu tư công, trong đó có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ bị “thả rông” từ 5 - 6 tháng, gây lãng phí một nguồn lực lớn của Nhà nước”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) đánh giá.

Lãnh đạo VARSI cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước không nên lặp lại bài học đắt giá khi dừng thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong suốt 3 năm qua.

Được biết, sau khi hoàn thành vào năm 2010 với chi phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được thu phí từ tháng 2/2010 đến hết ngày 31/12/2018. Sau khi tạm dừng thu, lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này tăng đột biến do nhiều phương tiện không cần di chuyển tốc độ cao cũng đi vào đường cao tốc, gây hiện tượng nghẽn luồng lưu thông tốc độ cao.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tốc độ lưu thông trung bình của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ còn đạt khoảng 60 km/h, hụt một nửa so với vận tốc thiết kế là 120 km/h. Do dừng thu phí, nên ngân sách nhà nước không thu hồi được vốn đầu tư, trong khi hàng năm phải chi thêm hàng chục tỷ đồng tiền bảo trì do lưu lượng tăng đột biến dẫn đến hiệu quả của công trình bị ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn khả năng khai thác.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2021, Bộ GTVT đã có Công văn số 12902/BGTVT - TC đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất.

Tại văn bản này, Bộ GTVT cũng muốn Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào Luật Giá và giao thẩm quyền Chính phủ quyết định việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư đối với các đoạn cao tốc được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Lộ trình đặt ra là, sau khi được Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc Bộ GTVT triển khai các thủ tục và thực hiện đầu tư bổ sung hạ tầng thu phí, trang thiết bị, hệ thống phần mềm thu phí... trên các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư 100% vốn. Trong trường hợp nguồn kinh phí dự án đầu tư công không còn, cho phép sử dụng nguồn thu phí để hoàn trả kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm... thu phí.

Để việc thu phí có đủ cơ sở pháp lý để triển khai, Thủ tướng sẽ giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện (phương pháp xác định mức thu; chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu và giao Bộ GTVT lập Đề án Khai thác, quản lý các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai.

“Có quá nhiều công việc bộn bề cần phải xử lý gấp, bởi 8 dự án cao tốc Bắc Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ hoàn thành lần lượt sau từ 4 tháng đến 12 tháng tới đây”, một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) lo lắng.

Hẹp cơ hội đầu tư

Điều đáng nói là, ngay khi Bộ GTVT phát Công văn số 1105/BGTVT - TC, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 1054/BTC - QLG ngày 28/1/2022 để phúc đáp.

Tại Công văn 1054, Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ GTVT có ý kiến chính thức về phương án cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đồng thời chủ động xây dựng đề án theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cũng tại Công văn số 1054, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất các phương án để thu hồi vốn đầu tư như: đấu giá quyền thu phí; đầu tư công, quản trị tư theo Luật PPP để lựa chọn phương án hiệu quả. Đây chính là một trong những điểm còn chưa đạt được sự đồng thuận giữa Bộ Tài chính và Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến phương thức triển khai thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư 100% vốn.

Được biết, tại Tờ trình số 160/TTr - TCĐBVN ngày 30/11/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề xuất 1 phương thức tổ chức quản lý, khai thác, vận hành duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí (căn cứ trên định mức chi tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền ban hành) để tổ chức thu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm giám sát công tác thu phí.

Với mức thu phí dự kiến từ 1.000 đến 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, số phí thu được (sau khi trừ các khoản chi tổ chức thu phí) được nộp vào ngân sách nhà nước. Để đảm bảo khách quan, minh bạch, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư bằng 100% vốn nhà nước sẽ áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng. 

Ông Trần Chủng cho rằng, với đề xuất này của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ, quá trình vận hành khai thác các tuyến cao tốc Bắc Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bị phân mảnh thành nhiều công đoạn: bảo trì - một đơn vị và thu phí lại là một đơn vị khác. Sự phân tách này là đi ngược với yêu cầu vận hành thống nhất, tập trung trong quá trình khai thác một tuyến cao tốc vốn luôn phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Liên quan đến phương án thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác cho doanh nghiệp - phương án được Bộ Tài chính từng đề xuất hồi tháng 10/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, điều kiện để thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản đó đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Trong khi đó, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều là các dự án mới đầu tư, việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật cần triển khai các thủ tục lập dự án mới, gắn với việc nâng cấp mở rộng là hết sức phức tạp.

Vẫn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam là các dự án khó xây dựng được phương án hoàn vốn khả thi khi đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng trên các tuyến cao tốc này cũng sẽ khó xây dựng được phương án hoàn vốn khả thi cho nhà đầu tư.

Mặt khác, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều là các tuyến mới, các số liệu doanh thu và chi phí đều mang tính dự báo, dẫn đến việc khó xác định giá khởi điểm để đấu giá (đấu thầu) lựa chọn nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền khai thác (bao gồm thu phí và vận hành bảo trì). Đồng thời, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận, đánh giá dự án dẫn đến việc chuyện nhượng quyền khai thác kém hấp dẫn người mua nên không có cơ sở để đề xuất phương án này.

Theo đại diện VARSI, nhận định này của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chưa thực sự chuẩn xác, bởi hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong nước đang rất quan tâm tới việc chuyển nhượng quyền khai thác 8 dự án cao tốc Bắc Nam do Nhà nước đầu tư 100% vốn theo hình thức PPP, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

“Hợp đồng O&M ngoài việc giúp Nhà nước có ngay một khoản tiền lớn từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, còn giúp quá trình vận hành, khai thác tuyến cao tốc được thống nhất và thông suốt. Nếu có vướng mắc về Luật Quản lý tài sản công, thì cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi để mở rộng sân chơi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Chủng kiến nghị.

Nguồn: Anh Minh/baodautu.vn