Hàng chục tỷ đồng trong tài khoản bị mất, trách nhiệm thuộc về ai?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàng chục tỷ đồng trong tài khoản bị mất, trách nhiệm thuộc về ai?

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong những vụ tiền trong tài khoản "bốc hơi," đâu là lỗ hổng đang tồn tại và làm sao để đảm bảo an toàn cho tiền gửi ngân hàng?

Các vụ việc mất tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng liên tiếp xảy ra đang khiến nhiều khách hàng lo lắng về độ an toàn của kênh gửi tiền.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong những vụ tiền trong tài khoản "bốc hơi" như vậy, đâu là lỗ hổng đang tồn tại và làm sao để đảm bảo an toàn cho tiền gửi ngân hàng?

Theo các luật sư và chuyên gia tài chính, những thông tin về việc lạm dụng quyền lợi và chiếm đoạt tài sản từ các tài khoản ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến, làm lung lay niềm tin của người gửi tiền vào sự an toàn và minh bạch của hệ thống ngân hàng.

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với cả khách hàng lẫn hệ thống ngân hàng về việc tuân thủ các quy trình giao dịch và kiểm soát các giao dịch này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW nhấn mạnh, theo quy định của Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Do đó, trong các vụ mất tiền gửi trong tài khoản, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho khách hàng nếu tổn thất không phải do lỗi của khách hàng, dù là do lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng hoặc kẻ gian ngoài ngân hàng.

"Nếu cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền, thường là những hành vi có dấu hiệu của tội 'Trộm cắp tài sản', 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản', 'Tham ô tài sản', 'Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản' thì cán bộ ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm với ngân hàng," Luật sư Hà lưu ý.

Trong thực tế, khi tiền gửi trong tài khoản ngân hàng "không cánh mà bay", người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang và lo lắng.

Liên tiếp các khách hàng phản ánh hàng chục tỷ đồng trong tài khoản mở tại MSB bỗng bị "bốc hơi". (Ảnh minh họa.)

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, để bảo vệ quyền lợi của mình trong các trường hợp bị mất tiền, khách hàng cần thu thập đầy đủ bằng chứng và tài liệu giao dịch với ngân hàng. Sau đó, liên hệ với ngân hàng và cung cấp thông tin để ngân hàng có thể xác minh tình hình.

Trong quá trình đàm phán, nếu không thể đạt được thoả thuận, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu hoàn trả tiền.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng cần phải xác minh và làm rõ nguyên nhân của việc mất tiền, nhưng cũng không thể xem qua trách nhiệm của ngân hàng trong các tình huống như vậy.

Ông Đức lưu ý trong quy trình bảo mật, việc rút tiền từ tài khoản mà không có sự chứng thực hoặc sự đồng ý rõ ràng từ phía khách hàng là một điều đáng ngờ và cần được làm rõ. "Đối với khách hàng, việc bảo mật thông tin giao dịch là rất quan trọng. Cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không tiết lộ thông tin giao dịch cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ, đảm bảo rằng mọi thông tin đều chính xác và hợp pháp...," ông Đức nhấn mạnh.

Về phía ngân hàng, vị luật sư nêu rõ quan điểm rằng ngân hàng phải đảm bảo quy trình giao dịch là an toàn và được giám sát một cách nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ từ phía nhân viên.

Nói rõ hơn về trách nhiệm của các ngân hàng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết căn cứ vào Luật các tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng phải có trách nhiệm tham gia bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu xảy ra thất thoát, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Ông cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng cần phải có các động thái để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và cần phải trình báo cho cơ quan điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm.

Về phía cơ quan quản lý, theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, và xử lý các vi phạm pháp luật của ngân hàng. Nếu phát hiện sai phạm, cần kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong các vụ việc mất tiền như trên cá nhân cán bộ, nhân viên ngân hàng là người chịu trách nhiệm nhưng ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm chính, bởi mọi việc xảy ra trong khuôn viên ngân hàng.

Do đó, ngân hàng cần có biện pháp quản lý, đào tạo nhân viên, biện pháp bảo mật, bảo vệ khách hàng để tránh những sự vụ đáng tiếc như đã xảy ra.

Cũng là một nạn nhân bị mất tiền trong tài khoản, ông Hiếu cho biết công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh chóng, kéo theo tội phạm công nghệ cao ngày một gia tăng.

"Là một chuyên gia với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam, nắm rõ những nguy cơ rủi ro và cả những biện pháp đảm bảo an toàn giao dịch ngân hàng, nhưng mới đây, tôi cũng bất ngờ khi biết gần 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của tôi đã "bốc hơi" từ lúc nào," ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cho biết qua rà soát hệ thống, phía ngân hàng phản hồi rằng đối tượng lừa đảo đã sử dụng Internet banking, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mạo danh ông và yêu cầu ngân hàng cấp mật khẩu mới./.

Nguồn: Lê Phương/vietnamplus.vn