Sau khi giá xăng tăng, mức chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ cũng tăng lên và ở mức 300-500 đồng/lít.
Ngày 22-2, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giá mạnh như xăng E5 lên 25.532 đồng/lít, xăng A95 lên 26.287 đồng/lít… Theo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM, sau khi giá xăng tăng, mức chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ cũng tăng lên và ở mức 300-500 đồng/lít.
Cửa hàng quận Bình Tân để bảng hết xăng. ẢNH: TÚ UYÊN
Ghi nhận của phóng viên Pháp Luật TP.HCM vào trưa ngày 22-2 tại một số quận Tân Bình, Tân Phú, các cửa hàng xăng buôn bán bình thường.
Một cửa hàng khác, hai nhân viên thông báo cho khách biết hết xăng. ẢNH: TÚ UYÊN
Riêng quận Bình Tân có hai cửa hàng, trong đó một cửa hàng treo bảng hết xăng, một cửa hàng có hai nhân viên ngồi bên trong, khi khách quẹo vào muốn đổ xăng thì được thông báo hết xăng.
Tương tự tại quận Gò Vấp, buổi trưa lác đác khách chạy vào bên trong cửa hàng được nhân viên ngồi canh các trụ bơm cho biết hết xăng.
Cửa hàng xăng quận Gò Vấp nhân viên ngồi phất tay báo hiệu cho khách hết xăng. ẢNH: TÚ UYÊN
Theo Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT), từ ngày 28-1 đến ngày 21-2, lực lượng QLTT tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.
TP.HCM hiện có 548 cửa hàng. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy có năm cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường nhưng thiếu xăng A95 để bán, phải chờ nhập xăng.
Cửa hàng ngừng bán vì đang nhập hàng. ẢNH: TÚ UYÊN
Các tỉnh miền Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước chủ yếu tại khu vực miền Nam.
Các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.
Nguyên nhân chủ yếu do không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán.
Nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; nhiều cửa hàng sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Có trường hợp không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.
Tại Sóc Trăng, lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt và tước giấp phép kinh doanh một cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Tại Hậu Giang, hai cửa hàng đóng cửa đã bị Đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép.
Theo Tổng Cục QLTT, ngay sau ngày điều chỉnh điều hành giá xăng dầu (21-2), lực lượng QLTT tiếp tục giám sát, theo dõi, kiểm tra đột xuất nơi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục./.
Nguồn: Tú Uyên/plo.vn