Geleximco xin đầu tư PPP cao tốc, chuyên gia nói gì?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Geleximco xin đầu tư PPP cao tốc, chuyên gia nói gì?

Geleximco có văn bản gửi đến Bộ GTVT thể hiện xin tham gia vào dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình…

Không nên giao doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

Tập đoàn Geleximco đã gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp này là nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.

 

Đi kèm với kiến nghị, Geleximco đưa ra cam kết: “Sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư với thời gian ngắn nhất, hiệu quả cao nhất, nhánh chóng đưa dự án vào thi công xây dựng, sớm hoàn thành công trình đi vào khai thác…”.

Doanh nghiệp thể hiện mong muốn tham gia dự án với sự quyết tâm cao, song, trao đổi với PV, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đối với những dự án giao thông quan trọng, mang tính liên thông tạo động lực phục hồi và phát triển KT-XH địa phương như tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, nếu doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra lập hoặc được giao quyền lập, báo cáo tiền khả thi sẽ rất có thể được xây dựng hướng theo những gì có lợi cho bản thân doanh nghiệp.

“Để đảm bảo sự chính xác, khách quan, cơ quan quản lý nhà nước có thể thuê một đơn vị tư vấn độc lập nghiên cứu, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Doanh nghiệp muốn tham gia có thể tài trợ vốn để thực hiện công việc nghiên cứu này và ứng tuyển tham gia với tư cách nhà đầu tư khi dự án được duyệt thi công”, TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), một dự án giao thông được thực hiện phải phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới đường bộ Việt Nam đã được phê duyệt và các quy hoạch liên quan.

Vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước là bên có đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến quy hoạch để thực hiện.

Nói cách khác, đối với dự án giao thông, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và đề xuất. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư PPP có thể đưa ra góp ý hoàn chỉnh báo cáo sao cho ưu Việt hơn về hướng tuyến, hiện đại hơn về công nghệ và giải pháp thi công, giúp dự án tối ưu được chi phí và tiến độ, chất lượng.

geleximco xin đầu tư ppp cao tốc, chuyên gia nói gì?

Chuyên gia cho rằng, đối với dự án giao thông lớn, cần có một đơn vị độc lập làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư dự án có thể tài trợ vốn hoặc góp ý hoàn chỉnh báo cáo để tối ưu về chi phí, tiến độ - Ảnh minh họa

Cẩn trọng xét duyệt nhà đầu tư nhiều lần lỡ hẹn với dự án giao thông

Cho rằng một nhà đầu tư như Geleximco vốn nổi tiếng với các dự án bất động sản, công nghiệp chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực giao thông không phải là vấn đề lớn, song, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức, với một doanh nghiệp từng lỡ hẹn với nhiều dự án giao thông như Geleximco, câu hỏi về nguồn lực và cách làm càng phải được xác thực rõ ràng.

“Việc xét duyệt cho phép nhà đầu tư này tham gia dự án phải được chú trọng hơn để đảm bảo tính khả thi của dự án, tránh sự hoài nghi của dư luận”, TS. Đức nói.

Chủ tịch VARSI Trần Chủng cho rằng, để xét duyệt, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng giao thông cần phải xem xét thật kỹ các yếu tố: Năng lực chuyên môn (đội ngũ con người, trang thiết bị kỹ thuật, năng lực quản trị dự án,…); Kinh nghiệm (năng lực chủ đầu tư ở các dự án tương tự); Năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu, năng lực huy động nguồn lực khác như: vốn tín dụng, vốn hợp tác kinh doanh,…).

Có trường hợp nhiều nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nhưng vẫn muốn tham gia dự án thông qua việc thuê đội ngũ nhân lực, chuyên gia, tư vấn có kinh nghiệm, cơ quan quản lý cũng cần tường minh rõ năng lực đáp ứng đến đâu, kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự như thế nào. Tuyệt đối không để những nhà đầu tư chưa đạt yêu cầu bước chân vào dự án, gây hệ lụy về tiến độ, chất lượng.

geleximco xin đầu tư ppp cao tốc, chuyên gia nói gì?

Việc xem xét, đánh giá kỹ các nhà đầu tư đã từng "lỡ hẹn" với nhiều dự án giao thông cũng được các chuyên gia lưu ý để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất cho dự án PPP - Ảnh minh họa

Làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, doanh nghiệp sẽ có lợi thế

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một Ban QLDA (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định hiện hành, trường hợp nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ thuộc vào một trong các trường hợp được hưởng ưu đãi trong đấu thầu.

“Do đó, xin tham gia dự án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình từ bước tiền khả thi, rất có thể Geleximco muốn có được lợi thế để “chắc suất” được lựa chọn làm nhà đầu tư thực hiện dự án này”, vị này nhận định.

Tìm hiểu được biết, điều 3 Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã quy định rõ: Trường hợp nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án ứng dụng công nghệ cao), thiết kế, dự toán (đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT hoặc dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế và dự toán) được phê duyệt, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong đấu thầu khi đánh giá về tài chính - thương mại.

Cụ thể, trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất nộp ngân sách nhà nước hoặc trừ đi một khoảng thời gian bằng 5% vào khoảng thời gian thực hiện hợp đồng mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được trừ đi một khoản giá trị bằng 5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%./.

Nguồn: Nam Khánh/baogiaothong.vn