Cơ hội việc làm, tương lai của sinh viên có thể bị ảnh hưởng rất lớn với những “dấu chân số” lưu lại trên không gian mạng và khó xóa bỏ.
Chuyển đổi số là việc quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và làm việc với các công nghệ số. Hay nói cách khác chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ cách sống, làm việc, học tập truyền thống theo phương thức vật lý sang không gian số, với phương thức mới và đa dạng đối tượng hơn.
Các nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu "danh tính số" của chính ứng cử viên thông qua dấu vết số họ để lại trên mạng Internet.
Khi “dấu chân số” không cho ta quyền được lãng quên
Chia sẻ tại hội thảo Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học diễn ra mới đây, TS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, thời đại số khiến cho một số khái niệm dần xuất hiện mà các bạn trẻ thực sự cần quan tâm đến như “dấu chân số”, “danh tính số”…
“Chúng tôi luôn nói với sinh viên: khi bạn sử dụng thông tin, cần luôn luôn đặt câu hỏi, bởi tất cả các thông tin dù xuất hiện ở đâu, từ các kênh chính thức hay mạng xã hội, đều có mục tiêu nào đó. Bạn phải luôn tự hỏi, những thông tin đó sinh ra để làm gì, để từ đó cẩn trọng khi dùng lại nó”, ông Hùng bày tỏ.
Theo TS Hùng, an toàn và an ninh số là một nhóm nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của sinh viên, bao gồm cả đời sống riêng tư cũng như việc tham gia thị trường lao động sau này.
“Khi mỗi chúng ta tham gia nền tảng internet, chỉ gõ một từ khoá tìm kiếm, bình luận trên mạng xã hội, hoặc xem một bức ảnh hay phim trên Youtube… thì tất cả đều được lưu lại và trở thành “dấu chân số”. Những “dấu chân số” ấy sẽ không thể xóa bỏ và là một tập hợp tạo nên “danh tính số” của mỗi cá nhân”, ông Hùng nêu rõ.
Vì “dấu chân số” mà “quyền được lãng quên” không còn. Minh chứng là một số người khi bắt đầu thành danh, thì bị cộng đồng mạng “đào mộ” lại quá khứ và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như tương lai của họ.
“Trong cuộc đời thực, cuộc sống vật lý, chúng ta có quyền được lãng quên. Nhưng trên mạng Internet, khi chúng ta đã lưu lại “dấu chân số” thì dường như không còn quyền đó nữa”, ông Hùng cho hay.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với người dùng mạng Internet nói chung và sinh viên riêng về nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân trong đời sống thực khi dụ dỗ trên mạng, bị mạo danh để lừa đảo... bởi các đối tượng xấu thu thập thông tin số của người dùng thông qua “dấu chân số”.
Với công nghệ phát triển rộng rãi như hiện nay, việc người dùng để lại dấu vết của số còn có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm sau tốt nghiệp đại học. Bởi các nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm thông tin về ứng viên trên Internet, và nếu tập hợp “dấu chân số” mang lại ấn tượng xấu về “danh tính số” của ứng viên thì cơ hội được tuyển dụng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
TS Đỗ Văn Hùng cũng cho rằng để phát triển năng lực số cho sinh viên, trường đại học nên có những môn học chuyên biệt, tích hợp nội dung này vào chương trình đào tạo trong các môn học, trong từng học phần. Trường cũng đã thiết kế một số môn học đặc thù cho việc phát triển năng lực số như năng lực thông tin, nhập môn tin học ứng dụng, năng lực số nâng cao…
Công nghệ phát triển nhanh chóng đòi hỏi người trẻ phải luôn chủ động tự học hỏi
Sử dụng công nghệ để nâng tầm hay chịu mất việc làm cho công nghệ?
Theo GS-TSKH Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, trong chuyển đổi số, công nghệ số rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là con người. Chúng ta cần những con người có những tư duy phù hợp để sử dụng, vận hành các công nghệ số. Năng lực số của giới trẻ ngày càng trở nên thiết yếu, để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn.
“Nếu trước kia đào tạo trong trường có thể sử dụng được 10-20 năm thì bây giờ chỉ trong vài năm kiến thức đã có thể không còn thích hợp. Điều này đòi hỏi khả năng chủ động tự học, sáng tạo. Năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau và cần thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể”, GS Hồ Tú Bảo nêu ý kiến.
Công nghệ đang mang lại cho chúng ta cuộc sống tiện nghi hơn, thoải mái hơn, kết nối và học tập dễ dàng hơn, làm việc linh hoạt hơn. Nhưng nó cũng mang lại cho chúng ta những thách thức.
Theo khảo sát của McKinsey, một hãng tư vấn hàng đầu thế giới, trong vòng 10 năm (2020 - 2030), khoảng 400 triệu việc làm sẽ bị mất do tự động hóa bằng máy móc. Còn theo tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam nằm trong nước có nguy cơ cao về việc làm bị ảnh hưởng bởi công nghệ số trong khu vực Đông Nam Á.
“Bạn sẽ dùng công nghệ để nâng tầm mình lên, hay bạn sẽ phải chịu mất việc làm? Làm thế nào để làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chúng ta. Trường đại học là nơi có thể giúp sinh viên tìm câu trả lời”, TS Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: Vân Anh/VOV.VN