Dịp cuối năm, thay vì tuyển thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng, nhiều nhà máy phải cắt giảm hàng nghìn lao động. Người công nhân gặp nhiều khó khăn.
TP Hồ Chí Minh: Người lao động nghỉ việc do giảm đơn hàng
Nhiều công nhân cho biết họ bất ngờ và buồn khi nhận thông báo nghỉ việc, nhất là những người đã gắn bó 10 năm 20 năm làm việc tại doanh nghiệp. Công ty giải thích là do khách hàng chính bị thiệt hại nặng nề nên không có đơn hàng. Công ty không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra. Do đó phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất với hơn 1.100 lao động, trên tổng số khoảng 1.800 nhân viên.
"Nghỉ cũng hơi chới với chút xíu. Cuối năm, phải đi làm thêm nữa mới trang trải được mọi việc cho gia đình, chớ nghỉ về quê đâu thể nào được. Con còn đi học mà đâu có về quê được. Về quê đâu có đất đai gì đâu mà làm" - chị Trần Thị Hồng Thắm (công nhân) chia sẻ..
Nhiều công nhân như chị Thắm cũng không có đường quay trở về quê, cũng như còn vướng bận con cái đang đi học tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, các khoản lương thưởng, trợ cấp nghỉ việc càng quan trọng với họ.
UBDN quận Bình Tân đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và 10 phường nắm tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm lao động và chi trả lương chờ việc cho công nhân đúng quy định, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Hạn chế tranh chấp lao động xảy ra.
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, trong tháng 10 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người mất việc 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những hình thức cắt giảm hiện nay đang diễn ra. Đó là:
- Giảm giờ làm hàng ngày.
- Làm cách nhật (2, 4, 5 hoặc 3, 5, 7 hoặc từ 3 đến 5 ngày/tuần).
- Nghỉ hưởng lương ngừng việc.
- Nghỉ không hưởng lương.
- Tạm hoãn hợp đồng lao động.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
Cho dù là cắt giảm theo hình thức nào thì khi Tết đến gần mà thu nhập giảm, người lao động sẽ rất khó khăn. Hiện tại, ở một số tỉnh thành phố, đã có chủ trương hỗ trợ người lao động.
Còn theo luật thì hiện tại, người sử dụng lao động sẽ trả trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 cho những lao động vào làm việc từ năm 2008 trở về trước.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động 2019 là 2 tháng tiền lương cho toàn bộ lao động bị cắt giảm và chi tiền thưởng năm 2022. Mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, được tính tỷ lệ theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của người lao động.
Người sử dụng lao động cũng phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên nếu họ bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Mức trợ cấp mất việc làm = Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp x Tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng nhiều điều kiện như đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công thì có nhiều doanh nghiệp tìm cách để giữ chân lao động.
Doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh giữ chân người lao động
Đơn hàng của Nhà máy, Công ty Phương Nam Panel bỗng sụt giảm 15%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động, chỉ giảm bớt ca làm việc và chia việc đều cho các công nhân có việc để làm.
Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cũng đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30-50%. Song, không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động.
Theo chuyên gia, kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Song, trong ngắn hạn các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động, không chỉ tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm, mà còn tạo cho người lao động có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp, cũng như niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp thì họ cũng đánh giá được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong bối cảnh khó khăn, có thể thấy chất lượng và uy tín thực tế của một doanh nghiệp được phản ánh khá rõ. Cụ thể là cách họ hỗ trợ người lao động ở thời điểm gian nan nhất. Thực ra đây là việc làm nhân văn mà nó cũng là giải pháp giúp hai bên cùng có lợi. Một khoản chi phí nào đó để tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho người lao động để khi các đơn hàng phục hồi trở lại thì họ lại không mất chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động, thậm chí phải đào tạo lao động mới để đáp ứng các nhu cầu về mặt kỹ năng có tính chuyên môn hóa cao.
Mất việc không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà đây còn là bài toán khó trên toàn cầu khi tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát đã rõ ràng. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố để có thể gồng gánh và bình ổn khi đi qua cơn bão này. Tuy vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự điều chỉnh kịp thời, đúng lúc đúng chỗ để dự đoán đó thực sự trở thành hiện thực. Người lao động qua đây cũng phải nhìn nhận lại thị trường lao động. Đây là một thị trường khốc liệt vào thời điểm này. Có được một công việc và chuyên sâu nâng cao tay nghề mới chính là xu thế thay vì nhảy việc và lựa chọn xu thế làm việc thời vụ, tự do như trước đó.
Nguồn: VTV.VN