Một nhóm nhân quyền cho biết các nhà chức trách Ả Rập Xê Út đã trả tự do cho công chúa Basmah và con gái của cô sau gần 3 năm bị giam giữ ở thủ đô.
Basmah bint Saud, 57 tuổi, một công chúa hoàng gia từ lâu được coi là người ủng hộ quyền phụ nữ và chế độ quân chủ lập hiến,bị bắt giam lần lượt vào tháng 3 /2019 và vào tháng 4/2020. Theo AFP, cô đã xin Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman thả tự do cho mình vì lý do sức khỏe.
Mới đây, ngày 8/1 (giờ địa phương), nhóm nhân quyền ALQST đã thông báo trên trang Twitter cá nhân thông tin mới nhất của vụ việc, cho biết "công chúa và con gái cô đã được thả". Nhóm nhân quyền tiết lộ thêm: "Cô ấy đã bị từ chối chăm sóc y tế cần thiết ngay khi trong tình trạng nguy kịch, đe doạ tính mạng. Cô cũng không bị khởi tố trong thời gian bị giam giữ".
Công chúa Basmah. Ảnh: AFP
Hiện, các quan chức Ả Rập Xê Út chưa đưa ra bình luận về vụ việc. Trong khi đó, một nguồn tin thân thiết với gia đình cho biết Công cháu Basmah bị bắt ngay trước khi lên đường sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của cô chưa bao giờ được tiết lộ.
Công chúa Basmah đã bị giam trong nhà tù Al-Ha'ir cùng nhiều tù nhân chính trị khác. Trong lời khai bằng văn bản trước Liên Hợp Quốc vào năm 2020, gia đình Công chúa Basmah cho biết việc cô bị giam giữ phần lớn bởi "cô là một người thẳng thắn chỉ trích các hành vi lạm dụng".
Cô cũng được coi là đồng minh của Mohammed bin Nayef, từng là người kế thừa ngai vàng trước khi Thái tử Mohammed bin Salman được vua cha chỉ định hồi tháng 6/2017.
Trong khi đó, đại diện Ả Rập Xê Út tại Liên Hợp Quốc năm 2020 cho hay Công chúa Basma bị giam vì "cáo buộc hình sự liên quan tới cố gắng ra nước ngoài trái phép", còn con gái cô bị bắt vì "tấn công một đặc vụ đang thi hành nhiệm vụ" và liên quan tới tội phạm mạng. Họ nói thêm Công chúa từng được kiểm tra y tế trước khi vào nhà tù và khẳng định 2 mẹ con họ được "chăm sóc y tế cần thiết" trong thời gian bị giam.
Thái tử Mohammed đã đề ra nhiều cải cách, như bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe kéo dài nhiều thập kỷ, bao gồm việc nới lỏng quy tắc "giám hộ" cho phép đàn ông có quyền giám sát độc đoán với phụ nữ. Tuy nhiên, chính quyền nước này cũng có nhiều biện pháp mạnh tay những người bất đồng chính kiến, từ nhà thuyết giáo tới nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, thậm chí cả thành viên hoàng gia./.
Nguồn: Minh Hạnh (Theo AFP)/doisongphapluat.com