



Tòa nhà Hàm cá mập là một điểm nổi tiếng trên bản đồ du lịch Hà Nội, bởi vị trí đắc địa bên hồ Gươm, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Tòa nhà Hàm cá mập đang trở thành tâm điểm của dư luận sau khi có thông tin UBND Hà Nội tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”, đề xuất không gian ngầm tại khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục hiện có và không gian mở rộng (sau khi phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”).
Thực tế, tòa nhà “Hàm cá mập” không phải tên gọi chính thức của tòa nhà này. Đây vốn là tòa trung tâm thương mại ở số 7 Đinh Tiên Hoàng, được xây dựng từ khoảng năm 1991 đến 1993 trên nền Nhà xe điện cũ và Bách hóa Bờ Hồ.
Tòa nhà Hàm cá mập vào thời điểm đang được thi công. Ảnh: Hans-Peter Grumpe/Hpgrumpe
Sau hơn 30 năm hoạt động, tòa nhà “Hàm cá mập” đã trở thành địa điểm yêu thích người người dân và du khách. Đây là vị trí đắc địa được đông đảo người dân và du khách lựa chọn ghé thăm mỗi khi có các chương trình bắn pháo hoa, lễ hội âm nhạc ở quảng trường.
Tòa nhà có tầm nhìn ra hồ Gươm và Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Hiện nay, từ tầng 2 đến tầng 6 là các nhà hàng, quán cà phê... với ban công có tầm nhìn bao quát trung tâm Thủ đô.
Đây là công trình do kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn thiết kế. Ý tưởng về kiến trúc của tòa nhà Hàm Cá Mập Hà Nội được kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn ấp ủ trong lúc ông dạo bước từ hồ Gươm, băng qua những con phố cổ. Công trình này được thiết kế với những đường cong, mang lại sự hài hòa với các tháp nước xung quanh. Phương án thiết kế được chọn và bàn giao cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thiết kế của tòa nhà thay đổi so với ý tưởng ban đầu của kiến trúc sư. Ngay sau khi tòa nhà hoàn thành, tòa nhà đã trở thành tâm điểm bàn tán. Người dân quen gọi đó là tòa nhà “Hàm cá mập” như một sự giễu cợt vì thiết kế không phù hợp với cảnh quan hồ Gươm thời bấy giờ.
Dù vậy, tòa nhà vẫn trở thành một điểm nhấn kiến trúc của khu vực trung tâm Hà Nội.
Tòa nhà Hàm cá mập nằm bên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn từng chia sẻ rằng ông rất vui khi nhiều người bạn thường chụp ảnh phố phường Hà Nội đã ghi lại hình ảnh của tòa nhà “Hàm cá mập” từ những góc độ, thời điểm khác nhau và gửi cho ông. Cảnh tượng người dân “đi bão” mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng trong các giải đấu bên tòa nhà này cũng trở thành một trong những khoảnh khắc đẹp của Hà Nội.
Tuy nhiên, câu chuyện của tòa nhà này sắp đi đến hồi kết, để mở ra một chương mới cho kiến trúc, cảnh quan của khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục theo dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Dự án giúp kết nối giữa 2 khu vực quan trọng: Khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm (phía Bắc) với khu vực Di tích quốc gia Khu phố Cổ (phía Nam)./.
Nguồn: Đan Thanh/laodong.vn