Chưa bàn giao, nhà đầu tư đổ xô thu gom đất dịch vụ ở Mê Linh

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Chưa bàn giao, nhà đầu tư đổ xô thu gom đất dịch vụ ở Mê Linh

Thông tin gần 5.700 hộ dân ở huyện Mê Linh vừa được UBND TP Hà Nội giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, giao đất dịch vụ nợ gần 20 năm đang khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm, có động thái thu gom đất bán giá chênh kiếm lời dù chưa có đầy đủ giấy tờ, pháp lí.

 

Rộ rao bán đất dịch vụ

Gần 1 tháng nay, chị Trịnh Thị Huệ (SN 1989, đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai) đã được một người quen chào mời mua chung suất đất dịch vụ rộng 200 m2 ở huyện Mê Linh với mức giá chỉ 25 triệu đồng/m2.

Người này tư vấn cho chị Huệ, khu đất dịch vụ nằm ở dự án biệt thự, nhà vườn tại thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm) đã bỏ hoang nhiều năm nay và hiện đang được nhiều doanh nghiệp, môi giới bất động sản chờ đợi, đón sóng đầu tư khi vừa có thông tin UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại 20 năm qua cho gần 5.700 hộ dân huyện Mê Linh chưa nhận được đất dịch vụ đền bù.

Đăng tin nhượng lại suất đất dịch vụ với giá hơn 30 triệu đồng/m2, anh Nguyễn Văn Lâm (môi giới bất động sản ở huyện Mê Linh) cho biết, đất dịch vụ đền bù ở thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm) nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp khi thu hồi đất nông nghiệp trước đó. Dù chưa có số lô đất đền bù cụ thể, thủ tục và giấy tờ liên quan nhưng anh Lâm đang có trong tay suất nhận đất dịch vụ rộng hơn 70 m2, chỉ chờ đến ngày bàn giao.

Chưa bàn giao, nhà đầu tư đổ xô thu gom đất dịch vụ ở Mê Linh

Dù chưa bàn giao nhưng nhiều môi giới đất tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) đã có động thái thu gom kiếm lời. Ảnh: Thu Giang

Chờ đợi vướng mắc được tháo gỡ

Ghi nhận thực tế của PV Lao Động trong các ngày gần đây cho thấy, nhiều người dân ở xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp hiện vẫn đang mong chờ từng ngày được nhận đất dịch vụ để ổn định cuộc sống.

Cụ thể từ năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp và cam kết bồi thường cho nhiều hộ dân, trường hợp bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên thì sẽ được bồi thường bằng đất dịch vụ. Nhưng đến năm 2008, huyện Mê Linh đã sáp nhập về Hà Nội nên chính sách này đã không được thực hiện.

Bà Hoàng Thị Chức (thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm) chia sẻ, gia đình bà nằm trong số 200 hộ dân xã Thanh Lâm, hơn 5.700 hộ của huyện Mê Linh bị thu hồi đất nông nghiệp gần 20 năm nay nhưng chưa được hưởng đền bù đất dịch vụ.

Tương tự, ông Vũ Văn Thuật (Trưởng thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm) cũng thông tin, từ sau thông tin UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương giải quyết, một số người dân trong xã gần đây đã thu gom, mua lại suất đất dịch vụ của các hộ dân được đền bù nhằm đầu tư sinh lời dù chưa có bất kì giấy tờ pháp lí, đất chưa được quyết định bàn giao và chia lô cụ thể.

Ông Thuật chia sẻ, 20 năm qua cuộc sống của các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn khi không có tư liệu sản xuất, trong khi khu đất nông nghiệp thu hồi làm dự án Khu biệt thự nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga) đến nay vẫn bỏ hoang lãng phí, cỏ cây mọc um tùm.

Đề cập đến nội dung này, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - cho biết, vấn đề đất dịch vụ rất phức tạp và đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay đã được Trung ương, UBND TP Hà Nội thông tin tháo gỡ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Mê Linh cũng tham mưu Huyện ủy ban hành đề án tổng thể chỉ đạo toàn diện về việc giao đất dịch vụ cho người dân. Chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, thực hiện quy trình giao đất dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống.

Trước đó ngày 9.3, ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kí ban hành văn bản số 606/UBND - TNMT về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc về giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh. UBND TP Hà Nội đã đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại khiến gần 20 năm qua 5.700 hộ dân huyện Mê Linh bị ảnh hưởng, nhằm giải quyết dứt điểm và tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện./.

Nguồn: Thu Giang/laodong.vn