Cấm bay vĩnh viễn hành khách vi phạm an ninh, an toàn bay

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Cấm bay vĩnh viễn hành khách

Hành vi tạo dáng gần máy bay sắp cất cánh hay cài điện thoại trên cửa sổ là không thể chấp nhận, nhưng có quá ít thông báo nhắc nhở.

Ủng hộ việc xử phạt nặng với cách hành vi vi phạm an toàn, an ninh hàng không, độc giả Lin.lppham cho rằng nên cấm bay vĩnh viễn: "Tôi ủng hộ cấm bay vĩnh viễn đối với những hành khách có những hành động như vậy. Những sự việc vừa qua cũng cần xử phạt cảnh cáo thật nặng để làm gương. Còn kể từ đây, nếu ai không chịu rút kinh nghiệm, tiếp tục cố tình vi phạm thì cứ cấm bay vĩnh viễn, cho vào danh sách đen của các hãng hàng không".

Cục Hàng không Việt Nam ban hành Chỉ thị về giám sát an toàn, an ninh hàng không, yêu cầu các đơn vị lập danh sách hành khách gây rối, vi phạm an toàn, an ninh hàng không để xem xét cấm bay. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến hành khách vi phạm an toàn hàng không tại một số sân bay như quay video nhảy múa tại sân đỗ khi máy bay di chuyển, hay đặt điện thoại ghi hình bên trong tấm che cửa sổ.

Đồng quan điểm, bạn đọc Truong Chung nhận định: "Nếu đã cấm thì nên cấm vĩnh viễn đối với những hành khách cố tình gây rối hoặc gây nguy hiểm đến chuyến bay để làm gương. Thời gian qua, việc sử dụng điện thoại để quay phim hay việc tạo dáng gần máy bay sắp cất cánh... là nhưng vi phạm rất nghiêm trọng. Những hành động đó, tôi đề nghị cấm bay vĩnh viễn, vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều hành khách khác".

Trong khi đó, độc giả Hoàng Việt Hùng lại cho rằng chỉ nên cấm bay có thời hạn: "Đối với hành khách không chấp hành đúng nội quy, quy định sẽ bị cấm bay hoặc cấm có thời hạn. Song song với đó, cũng cần có những quy định rõ ràng về mức bồi thường nếu hãng làm trễ giờ của hành khách. Nên nhớ, đây là giao dịch dân sự, nên cần có sự công bằng cho cả hai phía. Hãy đặt vào nhiều tình huống để ra quy định cho cả hai phía, sao cho hợp tình, hợp lý nhất".

"Trước khi cấm bay thì cũng nên có nhưng thông báo thật cụ thể tới những hành khách những hành vi không được làm trước trong và sau khi lên tàu bay. Có thể có những người chưa nắm rõ được cụ thể những quy định đó, chỉ vì một phút bốc đồng nên vi phạm. Cũng có những người cố tình làm vì thói vô kỷ luật thì đáng bị xử phạt. Theo tôi, nên làm một biển thông báo thật to ở cửa soát vé trước khi lên tàu bay để ai cũng đọc và nắm được. Khi đó ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm", bạn đọc Vũ Hồng Quân bổ sung thêm.

Levoto

Theo tôi, ngành hàng không nên xem lại cách truyền đạt thông tin cảnh báo về an toàn bay đối với hành khách, tương tự như thông tin về an toàn của hành khách trên máy bay. Các biện pháp đó có tính chất trực quan, tại chỗ, ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với các lý do: lần đầu đi máy bay; không hiểu vì không thấy ai thông báo, dẫn tới tưởng rằng không sao...

Cụ thể:

1. Trên mọi cầu thang lên xuống máy bay, trong mọi xe buýt trung chuyển từ phòng chờ ra máy bay (hay ngược lại) cần phải có các bảng thông tin rộng rãi, cố định và liên tục (bằng song ngữ Việt - Anh) cảnh báo các hành vi hành khách không được vi phạm từ khi rời phòng chờ cho đến khi lên máy bay và ngược lại! Chú ý nhấn mạnh đến các biện pháp xử phạt và chế tài.

2. Trên cửa sổ máy bay in luôn song ngữ Việt - Anh dòng chữ "Không được kéo cửa sổ xuống (đóng cửa sổ) khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh".

3. Các vật phẩm trên cabin máy bay hành khách không được đem theo mình rời khỏi máy bay cần phải được thông báo chi tiết tại ghế ngồi của khách hoặc in ngay trên bao bì vật phẩm đó nếu có điều kiện khoảng trống in được.

4. Tại cửa thoát hiểm của máy bay, nên in thêm dòng chữ: "Không được mở. Chỉ mở khi gặp trường hợp nguy hiểm".

Nguồn: Lê Phạm/vnexpress.net