Sáng 15.11, Bộ Tài chính có báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại buổi Giao ban báo chí hàng tuần của Bộ TT-TT.
Mua lại hơn 152.000 tỉ đồng trái phiếu trước hạn
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cung cấp một số thông tin đặc biệt đáng chú ý về tình hình trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 10 tháng đầu năm:
Thứ nhất, khối lượng phát hành TPDN đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Thứ 2, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo.
Thứ 3, 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Thứ 4, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành. Các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,27% và xây dựng 7,8%.
Cuối cùng, khối lượng TPDN mua lại trước hạn 152,2 nghìn tỉ đồng tăng 49,6%.
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về trái phiếu - NT
Theo ông Chi, Bộ Tài chính đánh giá sau vụ việc sai phạm tại Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua lại lớn. Tin đồn khó khăn của một số tập đoàn cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.
Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp, trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.
Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành./.
Nguồn: Tiêu Phong/thanhnien.vn